Tụt 6 hạng môi trường kinh doanh, có nên bi quan?

FICA – Tiềm năng thăng hạng vẫn còn, nhất là khi xét trên bình diện rộng, Việt Nam chỉ xếp sau 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa phát hành báo cáo thường niên về Môi trường kinh doanh lần thứ 12, đưa ra những dự báo về môi trường kinh doanh của 189 quốc gia trong năm 2015. Trong đó, Việt Nam đạt thứ hạng 78/189, giảm 6 bậc từ hạng 72 năm 2014.

Một trong hai điểm sáng về môi trường kinh doanh Việt Nam là việc thành lập trung tâm thông tin tín dụng quốc gia. Tổ chức này đi vào hoạt động tháng 1/2014 và đến tháng 4 đã có thể cung cấp những thông tin tín dụng về 23 trong số 47 ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngoài ra,  World Bank còn đánh giá cao việc giảm 30% thuế TNDN trong năm 2009 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm bớt chi phí thuế, hỗ trợ nâng hạng cho Việt Nam trong những năm sau.

Trong Nhật ký tư vấn ngày 30/10, Chứng khoán Rồng Việt nhận xét, trong năm 2015, đa số những hạng mục quan trọng của Việt Nam đều bị hạ bậc. Trong đó, việc thành lập doanh nghiệp mới giảm 5 bậc từ hạng 120 xuống 125 có thể không phải là một kết quả mong muốn trong bối cảnh Việt Nam đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ phát triển cho DN ở các lĩnh vực.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2014, cả nước có 6.831 DN đăng ký thành lập mới trong khi có tới 7.141 DN phải tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế như hiện nay thì việc đào thải những DN yếu kém, duy trì những DN chất lượng và có hoạt động kinh doanh tốt là điều hiển nhiên.

Ngoài ra, việc vay vốn cũng giảm 6 bậc từ 30 xuống 36 do khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp còn thấp và mức độ minh bạch của thông tin tín dụng chưa cao.

Theo NHNN, tính đến ngày 24/10, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 7,85 % so với năm 2013, còn cách tương đối xa so với mục tiêu của NHNN. Tuy nhiên, theo Rồng Việt, khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là hoàn toàn có thể nhờ vào động thái hạ lãi suất tiền gửi và cho vay cùng ngày.

Mặt khác, cũng phải nói thêm rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN chỉ thực sự phát huy tác dụng khi tự bản thân DN biết cách định vị và cải thiện hoạt động kinh doanh lành mạnh, đảm bảo đầu ra tiêu thụ thì sự phát triển mới bền vững được.

Một vài chỉ tiêu khác như bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và thương mại quốc tế của Việt Nam cũng giảm trung bình 1-2 bậc.

Bên cạnh đó, World Bank cũng nhìn nhận những tích cực về thị trường Việt Nam thông qua việc nâng hạng mục cấp phép xây dựng và đăng ký tài sản thêm một bậc. Điều đó cho thấy một số chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ thời gian qua đã dần phát huy tác dụng.

Nhìn tổng thể vào đánh giá của World Bank, có thể thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều hạn chế nhưng tiềm năng thăng hạng vẫn còn, nhất là khi xét trên bình diện rộng, Việt Nam chỉ xếp sau 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô có thể sẽ tạo động lực giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư trong và ngoài nước – Rồng Việt nhận định.

Mai Chi

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *