Từ cuộc sống đến nghị trường (4): Mối đe dọa của nợ công

Nguy cơ thực sự của nợ công không chỉ nằm ở con số vay, mà còn nằm ở khả năng trả nợ...

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” có lẽ đã trở nên quá khó khăn với tình trạng ngân sách nhà nước của Việt Nam.


Từ cuộc sống đến nghị trường (4): Mối đe dọa của nợ công
Góp ý sửa Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều vị đại biểu kiên trì quan điểm Quốc hội phải có thực quyền trong việc tiêu tiền.

Thẩm tra Luật Ngân sách đang được sửa đổi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng không đồng ý với các quy định hạn chế thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Nhiều góp ý khác, không chỉ với hai dự án luật nói trên cũng đều chứa đựng sự sốt ruột cao độ với “tấm chăn” ngân sách quá hẹp nhưng lại quá nhiều “lỗ thủng” cho gió lùa.

Và nỗi lo lớn nhất nằm ở sự đe dọa của nợ công, bên cạnh tình trạng thất thoát, lãng phí chậm được khắc phục như đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Trong số các chỉ tiêu Chính phủ trình Quốc hội cho 2015 không có nợ công.

Nhưng, ở dự kiến khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 thì có. Theo đó, nợ công đến cuối 2015 là 64% GDP, dư nợ Chính phủ là 48,9%, dư nợ quốc gia là 42,6%. Cả ba con số này đều thấp hơn mức cho phép của Quốc hội.

Nhưng, như VnEconomy đã nhiều lần đề cập, nguy cơ thực sự của nợ công không chỉ nằm ở con số vay, mà còn nằm ở khả năng trả nợ.

Chủ tịch Quốc hội - người rất am hiểu nền tài chính quốc gia - tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014) đã nhấn mạnh rằng: “Quốc hội đã nhận thấy an ninh về nợ công đang bị đe dọa do cơ cấu của nợ công, do nguồn để trả nợ công là thiếu cân đối, do bội chi và vay thêm để trả nợ công là hạn chế phát triển, tăng cường trả nợ”.

Nỗi lo này dường như đã lớn hơn, khi theo phân tích của ông ở phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/10 vừa qua, thì ngân sách đang có cơ cấu rất xấu, khi có đến 72% chi thường xuyên còn có gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển vừa dành cho các việc khác.

Từ cơ cấu rất xấu này nên phải vay, phải tăng bội chi, phải phát hành trái phiếu rồi đảo nợ. Trong khi ngưỡng an toàn của nợ công là 65% GDP thì đến hết 2015 nợ công được dự báo lên đến 64% khiến cho ông rất sốt ruột. Vì: “2015 xơi hết rồi thì 2016 lấy gì mà bội chi, lấy gì mà đầu tư phát triển”?

Nhắc ngành tài chính là đã quên bài toán cơ bản cân bằng thu chi, thu lấy mà chi, không phát hành mà chi, Chủ tịch sốt ruột, “giờ phát hành lu bù vay lu bù để chi thì “chết rồi” .

Ông nhấn mạnh: “Tôi thấy ngân sách xấu lắm rồi, thứ nhất thu được đồng nào đem xài hết, thứ hai là hãm đầu tư và thứ ba là cứ vay thêm ào ào. Như thế thứ nhất là không phát triển được đất nước, hai là trả nợ không được thì đến ngày là sụp chứ còn gì nữa”.

Cũng đặc biệt sốt ruột với nợ công là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra báo cáo ngân sách của Chính phủ.

Không chỉ bởi một số khoản nợ chưa được tính hết (theo tính toán của một số chuyên gia thì nếu tính hết nợ công đã quá 100% GDP - PV) mà từ 2012 đã phải vay đảo nợ với số tiền năm sau cao hơn năm trước. Đến 2015 vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ tiếp tục tăng lên 130.000 tỷ đồng từ 77.000 tỷ đồng của 2014.

Đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách hàng năm đã vượt mức quy định là 25%, năm 2014 ước đạt 25,9% và sang 2015 dự kiến ở mức 31,9%.

Theo Ủy ban thì vay đảo nợ là dấu hiệu không lành mạnh, phản ánh tình hình rất khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước.

Như trên đã dẫn, từ kỳ họp thứ 7, an ninh nợ công đang bị đe dọa đã được Quốc hội nhận thấy. Tại nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp này, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ, rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Luôn tỏ ra bình tĩnh với nợ công, song Chính phủ đã quyết định sẽ đưa báo cáo tổng thể về tình hình nợ công ra thảo luận tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2015.

Còn Quốc hội, cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với việc tiêu tiền, bao giờ mới có một phiên thảo luận chỉ riêng về nợ công?

 

Theo Nguyên Thảo

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *