Trữ hàng Tết, tồn kho của doanh nghiệp tăng cao

FICA - Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/1/2015 tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014. Trong khi đó, Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng 13% so với cùng kỳ tháng 1/2014.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 17,5% so với cùng kỳ (chủ yếu do năm trước Tết Nguyên đán rơi một phần vào tháng 1, thời gian sản xuất tháng 1 năm nay nhiều hơn).

Những ngành có tốc độ tăng cao có khai thác đá, cát, sỏi, đất sét tăng 23,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 16,1%; sản xuất sợi tăng 45,5%; sản xuất giày dép tăng 22,9%... Tuy nhiên, vẫn có một số ngành giảm so với cùng kỳ như sản xuất đường giảm 4,5%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 2,9%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/1/2015 tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014, trong đó: một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11%; sản xuất đồ uống tăng 59,5%; dệt tăng 10,1%; sản xuất trang phục tăng 24,5%; sản xuất giấy tăng 100,1%; sản xuất thuốc tăng 15,4%; sản xuất kim loại tăng 32,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 37,8%... (nguyên nhân chủ yếu do tồn kho theo kế hoạch để dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán).

Theo Bộ Công thương, thị trường hàng hoá phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo nhu cầu mua sắm trong dịp tết. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong tháng trước Tết Nguyên đán được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 ước đạt 275,454 nghìn tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó: ngành thương nghiệp ước đạt 211,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 76,8%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 31 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%, chiếm tỷ trọng 11,3%; du lịch ước đạt 2,24 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 giảm 0,2% so với tháng 12 năm 2014 và tăng 0,94% so với tháng 1 năm 2014.

Trong tháng, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 28.521 vụ; phát hiện, xử lý trên 15.468 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 40 tỷ đồng.

Bộ Công thương cho biết, trong tháng 02/2015 sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng, miền nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới; tiếp tục chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết và sau Tết. Tiếp tục thực hiện các chương trình đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới…

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *