Trồng cây “vàng trắng”: Trắng tay vì phá vỡ qui hoạch

Quản lý quy hoạch yếu ở cả trung ương lẫn địa phương, nhưng lại đổ hết trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các tỉnh.

Cơn bão số 10 và 11 vừa qua đã làm chết nhiều người và gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân vùng Bắc Trung Bộ.

Thiên tai quật ngã khoảng 22.000 ha cây cao su, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trước những mất mát quá lớn này, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại chủ trương phát triển cây cao su mà người dân quen gọi là “cây vàng trắng” ở khu vực này; nên chuyển diện tích trồng cao su sang trồng các loại cây khác an toàn và bền vững hơn.

 

Hết mùa mưa bão, giờ là lúc có thể đánh giá toàn diện những vấn đề như: Nên hay không nên tiếp tục trồng cây cao su? Nếu không trồng cao su thì chọn cây trồng nào thay thế cho phù hợp ở khu vực Bắc Trung Bộ? Và đã đến lúc, cần đánh giá lại một cách nghiêm túc về quy hoạch phát triển cây cao su ở vùng đất này, từ đó cân nhắc có nên tiếp tục mở rộng diện tích hay không?

Đổi đời nhờ “vàng trắng”

Năm 1992, ông Trần Hữu Hiến, ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị lên vùng gò đồi miền Tây tỉnh này xây dựng kinh tế mới. Ngày đầu đến mảnh đất hoang vu, bạt ngàn lau sậy lại không có nước tưới tiêu, ai cũng ái ngại. Ông Hiến trồng thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau nhưng đều thất bại ê chề. Cuộc sống gia đình ông chỉ thực sự đổi thay khi trồng cây cao su. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng, rồi bao nhiêu vốn liếng tích góp cũng đổ hết vào cây trồng mới này, ròng rã hơn 7 năm chăm sóc, chờ đợi, ngày đón dòng nhựa trắng đầu tiên đem bán, gia đình mới thở phào.

Ông Trần Hữu Hiến khoe, với hơn 4 héc-ta cao su đang vào tuổi khai thác, trừ chi phí, mỗi tháng bỏ túi từ 17 đến 20 triệu đồng. Nhờ cây cao su, gia đình ông mua sắm đầy đủ tiện nghi đắt tiền, nuôi 3 con ăn học và mua thêm 2 ha đất: “Chính nhờ cây cao su mà thu nhập của bà con nông dân rất ổn định từ nhiều năm qua. Sau cơn bão 11, vườn cao su bị đỗ gãy trên 10%, tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định cây cao su là cây trồng chủ lực trong những năm tới”- ông Hiến khẳng định.

Giờ đây, trên mảnh đất khô cằn ấy, gần 80 hộ ở thôn Tân Thủy có thu nhập từ cây cao su hơn 20 tỷ đồng mỗi năm. Thôn này hiện không còn hộ nghèo, hộ giàu chiếm 25%. 

Cây cao su cũng mang lại cuộc sống no đủ cho người dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Với 7.500 ha cây cao su, chỉ sau 8 năm cho thu hoạch, đời sống nhân dân địa phương có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ hơn 23% vào năm 2003 xuống còn khoảng 10% trong năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt hơn 21 triệu đồng/năm, trong đó cây cao su đóng góp một nửa. Cây cao su đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân. Các nhà máy chế biến cao su đã giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ lao động. Nông dân trở thành người  công nhân. Thu nhập cao su góp phần tăng ngân sách, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. So với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, chưa có cây gì có giá trị cao và ổn định hơn, có thể thay thế được cây cao su.”- Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết như vậy.

Sau hơn nửa thế kỷ phát triển trên đất Quảng Trị, cây cao su đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Ước tính, với giá trung bình khoảng 50 triệu đồng/tấn mủ cao su, mỗi năm, tỉnh Quảng Trị thu về hơn 500 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động nông thôn. Đáng chú ý, cây cao su đã làm thay đổi tư duy của bà con, đặc biệt là người dân tộc thiểu số về làm kinh tế, chuyển từ tập quán làm ăn “sáng gieo, chiều gặt” sang lối làm ăn có kế hoạch, được đầu tư, tính toán kỹ lưỡng. Nhiều hộ ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh; A Dơi, huyện Hướng Hóa,v.v… trở nên giàu có. Cây cao su ngày càng lan tỏa, trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” nhanh.

Cũng chính vì lý do này mà những năm qua, nhiều vùng quê Bắc Trung Bộ đã xuất hiện phong trào “nhà nhà trồng cao su”, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch.

Theo Quyết định 750 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, vùng Bắc Trung Bộ ổn định với diện tích 80.000 ha. Tuy nhiên, mới đến năm 2012, diện tích cây cao su vùng này đã đạt khoảng 80.500 ha, vượt 500 ha so với quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020.

 

Điều đáng lo ngại là hiện nay, cao su tiểu điền phát triển vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Nhiều nơi không phù hợp với cây cao su như vùng ven biển, thường xuyên bị gió bão, lốc xoáy… cũng được bà con tận dụng trồng, bất chấp quy hoạch đã chỉ rõ, cây cao su chỉ được trồng ở khu vực phía Tây, xa biển, kín gió. Hệ quả là, trong cơn bão số 10 và 11 vừa qua, những diện tích trồng cao su tự phát, thiếu quy hoạch, không tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật đều thiệt hại nặng nề so với các nơi cũng bị ảnh hưởng của thiên tai. Hai cơn bão vừa qua đã quật đổ tới 3.000 ha trong tổng số 7.500 ha cao su của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh phân tích: do lợi nhuận, các hộ gia đình đã mở rộng diện tích một cách ồ ạt, các đai tuyến chắn gió đều bị phá để lấy đất trồng cao su, cho nên khi có bão, cây cao su dễ bị đổ gãy.

“Từ 2007 đến 2011, giá mủ cao su rất cao, vì vậy, bà con mở rộng diện tích trồng cao su ồ ạt. Mỗi năm, Vĩnh Linh chỉ đặt kế hoạch phát triển 200 ha, chuyển từ rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Nhưng thấy lợi nhuận như vậy, bà con đã mở rộng diện tích, đặc biệt ở vùng phía Đông, vùng không nằm trong quy hoạch. Một số bà con đã chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, thậm chí cả đất rừng qua trồng cao su. Khi phát hiện ra hiện tượng này, cấp ủy, chính quyền đã tiến hành xử lý. Nhưng vì hiệu quả cao su quá lớn nên vấn đề xử lý vi phạm không tuân thủ quy hoạch đã không triệt để.”- Ông Lê Tiến Dũng khẳng định.

Diện tích cao su vượt qui hoạch: Lỗi tại ai?

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thừa nhận, quản lý quy hoạch là vấn đề yếu ở cả trung ương lẫn địa phương, nhưng lại đổ hết trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các tỉnh: “Phải nói thật, quản lý quy hoạch là vấn đề yếu của cả các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan địa phương”.

Ông Quảng cũng nêu ý kiến rằng: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mang tính định hướng, tổng thể, còn quy hoạch cụ thể, chi tiết, trồng ở đâu, trồng ở địa bàn cụ thể nào thì Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt.

Với đầy đủ các cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chứ không phải các tỉnh, mới là cơ quan có đủ điều kiện và năng lực thực hiện công tác quy hoạch một cách có hiệu quả nhất. Do vậy, việc xác định trách nhiệm chủ yếu thuộc về các địa phương đã thật thỏa đáng?

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá 13 về vấn đề vỡ quy hoạch phát triển cây cao su, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có khu vực Bắc Trung Bộ, Bộ trưởng Bộ Nông nghịêp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Mặt khác, theo qui định của Luật pháp, khi muốn chuyển đất nông  nghiệp  từ trồng cây hàng năm sang trồng cây cao su là cây lâu năm hay chuyển đất lâm nghiệp sang trồng cao su thì phải xin phép và được chính quyền địa phương cho phép mới làm được. Nên trong việc địa phương cho phép hoặc buông lỏng, để nhân dân tự trồng thì theo qui định của  Luật pháp, thẩm quyền cho phép đó cũng thuộc về chính quyền các cấp.”

Phá vỡ quy hoạch, người trồng cao su vàng mắt, trắng tay. Xác định rõ trách nhiệm này thuộc về cá nhân hay cơ quan nào là điều cần thiết. Tuy nhiên, sau những cơn bão lớn vừa qua, với những thiệt hại không dễ gượng dậy ở khu vực Bắc Trung Bộ, có một vấn đề cấp bách cần được giải quyết thỏa đáng. Đó là vùng thường xuyên hứng chịu bão lũ lớn như các tỉnh miền Trung, liệu có nên tiếp tục trồng cao su?

Theo VOV

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *