TQ vào 'giai đoạn đau đớn': VN cần 'bàn tay sạch'

Việt Nam cần có những “bàn tay sạch” và tỉnh táo để lựa chọn dự án tốt, phương thức thực hiện đúng.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trao đổi với Đất Việt xung quanh "giai đoạn đau đớn" của Trung Quốc và Việt Nam.

 

PV: -Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Úc vừa qua, một Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc đang trải qua một “giai đoạn đau đớn” khi cố gắng chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn.

 

Ông có thể phân tích rõ hơn giai đoạn đau đớn mà Trung Quốc đang trải qua là như thế nào? Nhìn vào sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua, ông thể lý giải vì sao Trung Quốc phải đối mặt với giai đoạn đau đớn này?

 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Với cách tăng trưởng “nóng”, nhiều năm liên tiếp tăng trên dưới 10%/năm, quy mô kinh tế Trung Quốc đã đạt đến mức lớn thứ nhì thế giới, nhưng hiệu quả không cao, phát triển thiếu bền vững. Về xã hội (phân biệt giầu nghèo rất lớn, hệ số GINI đến trên 0,5). Về môi trường, tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là các con sống và cả bầu không khí ở Thủ đô Bắc Kinh…

 

Về kinh tế, các nhân tố tăng trưởng “dễ” như lao động giá rẻ đang cạn và mức thu nhập đang tăng lên, nhất là ở đô thị, mức tích lũy vốn quá cao, đến 50%GDP, làm ảnh hưởng đến đời sống và cuối cùng lại cản trở sự phát triển do cầu nội địa bị kém.

 

Các nhân tố KHCN và quản trị (quốc gia, doanh nghiệp) cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Do đó, Trung Quốc đã chủ động điều chỉnh từ mức tăng trưởng cao, xuống mức 7-8% hiện nay và có thể thấp hơn trong dài hạn, với chuyển đổi mạnh mẽ trong thể chế kinh tế như Hội nghị Trung ương 3 (khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết sách).

 

Đó là quyết sách “hạ cánh” khôn ngoan. Trong điều kiện đó, Trung Quốc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chọn các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hơn. Tất nhiên đó là sự lựa chọn khó khăn, nhất là với các vùng nghèo như miền Tây. Sự điều chỉnh này lại diễn ra trong điều kiện có một số chênh lệch lớn và cả bất ổn xã hội, khó khăn trong xử lý môi trường ở tầm vĩ mô và vi mô và cả tình hình cạnh tranh toàn cầu trong điều kiện quốc tế phức tạp mới cũng làm cho Trung Quốc cần có những cân nhắc thận trọng hơn.

 

Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Việt Nam sẽ trải qua sự chuyển đổi, không nhất thiết như đang xảy ra như ở Trung Quốc
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Việt Nam sẽ trải qua sự chuyển đổi, không nhất thiết như đang xảy ra như ở Trung Quốc

 

PV: - Vị Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc trên cũng nhắc lại câu nói thường xuyên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng đây là “sự bình thường mới” (new normal) của kinh tế Trung Quốc. "Sự bình thường mới" ở đây là gì, thưa ông? Liệu đó có phải là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, bắt nhịp với các nền kinh tế trên thế giới hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Các quyết sách của lãnh đạo Trung Quốc mạnh mẽ, thống nhất từ cấp cao... đều đang chuyển mạnh sang hướng kinh tế thị trường đầy đủ hơn. Đó là sự trở về “bình thường-mới”, với những chuyển đổi trong thể chế rất phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kiểu mới trong đất nước rộng lớn như một thế giới.

 

Như vậy, Trung Quốc sẽ đạt tới tăng trưởng chất lượng mới, hiệu quả hơn, cạnh tranh tốt hơn. Kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển “gần hơn” với kinh tế toàn cầu, tức là “bình thường” nhưng lại là sự kiện “mới” so với thực trạng hiện nay. Như vậy, trong điều kiện không có đột biến lớn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vươn lên hàng đầu thế giới một cách ngày càng thực chất hơn.

 

Trong điều kiện đó, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ các sự kiện của nước láng giềng để có quyết sách kịp thời và sáng tạo như những năm Việt Nam đã chủ động bước vào đổi mới những năm 1980 đầu 1990.

 

Tất nhiên, ngày nay hoàn cảnh đã khác nhiều trước đây 30 năm thì đổi mới thể chế kinh tế và chính trị cũng cần được làm đồng bộ hơn, sâu sắc hơn, nền nã hơn để tiếp tục tiến theo định hướng XHCN, Việt Nam càng tiến mạnh theo kinh tế thị trường hội nhập sâu, thực hiện dân chủ rộng rãi trong xã hội đi đôi với xây dựng Nhà nước pháp quyền, vừa thúc đẩy phát triển trong công bằng, vừa khắc phục các khuyết tật của thị trường,…Việt Nam cần thấu hiểu sâu sắc từ các bài học tổng kết thực tiễn và cả từ học hỏi bài học quốc tế đa chiều, cả chính diện và phản diện.

 

PV: - Theo ông, Trung Quốc có lựa chọn nào khác không ngoài việc chấp nhận nền kinh tế phải trải qua một "giai đoạn đau đớn" như hiện nay? Cái giá phải trả của Trung Quốc để có được "sự bình thường mới" nói trên là gì? Tuy nhiên, ông có thể dự đoán, nếu vượt qua được giai đoạn này, diện mạo của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao, thưa ông?

 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Mọi sự chuyển đổi đều phải trả giá, nhưng đó là “sự phá hủy sáng tạo”, để vươn lên những cái tốt hơn. Trung Quốc đã lựa chọn “con đường đau đớn” để đạt tới cái “bình thường – mới”, chính là làm theo con đường phát triển lành mạnh.

 

Bên cạnh đó, việc siết lại kỷ cương, kỷ luật, chống tham nhũng… cũng được triển khai quyết liệt. Tôi nghĩ, nếu thực hiện đúng phương hướng này, Trung Quốc sẽ có những bước tiến vượt bậc những năm tới. Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm dần, nhưng chất lượng tăng trưởng sẽ cao hơn, sức cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn.

 

Chúng ta chúc mừng những thành công và cả các thành công trong phát triển tương lai của nước láng giềng Phương Bắc, mong muốn có mối quan hệ hữu nghị và cùng phát triển cùng Trung Quốc, cũng như mong có được tình hữu nghị trong bình đẳng và chân thành, cùng các bên có liên quan giải quyết thỏa đáng các bất đồng nảy sinh, nhất là tại Biển Đông, vì sự nghiệp phát triển chung của 2 nước và của khu vực và thế giới.

 

PV- Nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ, kinh tế Trung Quốc đang có bước chuyển mình về công nghệ, từ công nghệ thấp lạc hậu sang công nghệ cao, hiện đại hơn. Đã có hiện tượng Trung Quốc tuồn rác công nghệ sang các nước phát triển kém hơn, trong đó có Việt Nam. Là nước có công nghệ thấp, lại ở sát Trung Quốc, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gì, thưa ông? 

 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Như có lần phát biểu trên Đất Việt, tôi nghĩ, Việt Nam cần tự trách mình trước hết về việc tiếp nhận công nghệ lạc, sản phẩm chất lượng kém. Trong kinh tế thị trường, không ai có thể “bắt” Việt Nam mua công nghệ lạc hậu, biến đất nước mình thành bãi rác thải công nghệ lạc hậu.

 

Ngay khi tiếp nhận vốn vay hay viện trợ ODA, cũng như giao tổng thầu EPC, Việt Nam cần có những “bàn tay sạch” và tỉnh táo để lựa chọn dự án tốt, phương thức thực hiện đúng. Với tư duy đổi mới và sáng tạo, Việt Nam thi hành chính sách liên hoàn nhiều mặt (cả kinh tế, chính trị, quản trị…) nhằm nâng cao không ngừng năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, tạo cơ hội phát triển cho mọi nhà.

 

Như vậy, Việt Nam mới có thể thực hiện thành công sự nghiệp tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công. Đây là sự nghiệp vẻ vang, cần kiên trì thực hiện trong dài hạn, chắt chiu từng tiến bộ nhỏ, vượt qua các rào cản, thách thức từ các hướng và vươn đứng lên mạnh mẽ từ cả những sai lầm, khuyết điểm...

 

PV: - Liệu sẽ có một "giai đoạn đau đớn" ở Việt Nam hay không và nếu điều đó xảy ra, Việt Nam có nội lực gì để ứng phó với nó, tiến tới "sự bình thường mới" không, thưa ông?

 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái: - Việt Nam đang tích cực tổng kết sự nghiệp đổi mới 30 năm, học hỏi quốc tế, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công, để không ngừng vươn lên. Thực hiện ba đột phá chiến lược, tiến hành tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng không thể làm ngày một ngày hai, do đó, trong giai đoạn từ nay đến 2020 và cả sau đó, Việt Nam cũng phải có những lựa chọn chiến lược thích hợp, đa phương hóa quan hệ, đa dạng hóa nền kinh tế để phát triển mạnh mẽ trong hội nhập thế hệ mới.

 

Việt Nam sẽ trải qua sự chuyển đổi, không nhất thiết như đang xảy ra như ở Trung Quốc, nhưng là sự đổi mới sáng tạo, đứng dậy “vươn lên sáng lòa” kiểu riêng của đất nước “Đại Cồ Việt”. Tiến theo định hướng đúng đắn và sáng tạo, Việt Nam có đầy đủ khả năng để thực hiện con đường phát triển kinh tế thị trường.

 

Trong quan hệ chính trị đối ngoại với Trung Quốc và các nước thì báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội vừa qua và quan điểm của các vị lãnh đạo cao nhất trên các diễn đàn khu vực và quốc tế đã trình bày rất rõ và đúng đắn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân cả nước.

 

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Thành Luân

Đất Việt

 

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *