TPHCM giảm phát so với cùng kỳ

FICA - So cùng kỳ, TPHCM có 2 nhóm hàng giảm là bưu chính viễn thông (giảm 0,96%) và văn hóa giải trí (giảm 1,33%).

Theo báo cáo mới công bố của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), trong tháng 8/2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tăng nhẹ 0,05% so với tháng 7, giảm 0,07 điểm phần trăm so mức tăng tháng 7. 

Trong 11 nhóm hàng có 5 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn tăng 0,32% - đây cũng là nhóm có quyền số cao nhất rổ tính CPI (chiếm xấp xỉ 40%). Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhóm may mặc tăng 0,1%, nhóm giáo dục tăng 0,01%;  hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%.

Chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng giảm giá là nhóm nhà ở điện nước chất đốt giảm 0,74%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình giảm 0,15%; giao thông giảm 0,02% và văn hóa giải trí giảm nhẹ 0,01%. Nhóm thuốc dịch vụ y tế và bưu chính viễn thông không có biến động.

Theo phân tích của cơ quan thống kê, trong tháng 8, giá điện nước tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm, giá một số vật liệu bảo dưỡng sữa chữa nhà ở giảm nhẹ, đặc biệt giá gas giảm 1,68% đã ảnh hưởng lên mức giảm cao nhất của nhóm nhà ở điện nước chất đốt trong các nhóm hàng giảm giá (giảm 0,74%). 

Giá xăng giảm (2 lần vào ngày 28/7 và 7/8) tuy chưa ảnh hưởng đến giảm giá dịch vụ vận tải công cộng tuy nhiên cũng đã tác động làm giảm giá nhóm hàng giao thông (giảm 0,02%). 

Trong khi đó, việc giá mặt hàng thịt lợn tăng trở lại sau khi giảm vào tháng trước, giá lương thực, thịt chế biến, thủy sản chế biến có tình hình tương tự, trứng tiếp tục tăng với mức cao (tăng 3,08%) đã làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn trên địa bàn tăng cao nhất trong các nhóm hàng tăng giá.

So với tháng 8/2013 chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn TPHCM tăng 5,2%. Có 2 nhóm hàng giảm là bưu chính viễn thông (giảm 0,96%) và văn hóa giải trí (giảm 1,33%). 9 nhóm hàng còn lại đều tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn tăng 3,54%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,57%; nhà ở điện nước chất đốt tăng 1,94%; giao thông tăng 1,58%.

So với tháng 12/2013, CPI tăng 1,27% xấp xỉ mức tăng 8 tháng năm 2013 (1,26%), với mức tăng cao nhất của nhóm thuốc và dịch vụ y tế là 8,53% do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Giao thông là nhóm có mức tăng xếp thứ hai (tăng 2,85%) chủ yếu do xăng dầu tăng (tăng 4,91%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống xếp thức 3 với mức tăng 2,13% trong đó thực phẩm tăng 3,59%. Như vậy bình quân 1 tháng trong 8 tháng đầu năm 2014 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,16%. 

Chỉ số giá bình quân 8 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn TPHCM so với cùng kỳ tăng 4,93% (8 tháng năm 2013 tăng 2,98%).

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *