Tốc độ cải thiện điều kiện sản xuất của Việt Nam giảm nhẹ

FICA - Mặc dù chỉ số PMI giảm nhẹ từ mức 51,7 điểm trong tháng 9 xuống 51 điểm trong tháng 10, tuy nhiên, vẫn cho thấy sự cải thiện về điều kiện sản xuất so với tháng trước (duy trì trên ngưỡng 50)

Ngày 3/11, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics đã công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 10/2014 với đánh giá “tăng trưởng việc làm cải thiện nhờ sản lượng đầu ra tiếp tục tăng”.

Theo đó, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam được cho biết là đã cải thiện nhẹ trong tháng 10, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng và các công ty tuyển thêm nhân viên với tốc độ tăng mạnh nhất kể từ tháng Giêng.

Tốc độ lạm phát chi phí đầu vào tháng thứ 3 liên tiếp tăng chậm và các công ty cắt giảm chi phí cho khách hàng của họ bằng cách giảm giá đầu ra. Trong khi đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp rút ngắn lần đầu tiên trong 10 tháng.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất – giảm nhẹ từ mức 51,7 điểm trong tháng 9 xuống 51 điểm trong tháng 10 những vẫn báo hiệu sự cải thiện tổng thể trong điều kiện hoạt động của lĩnh vực này. Điều kiện kinh doanh đã tăng cường trong 14 tháng qua.

Diễn biến chỉ số PMI của Việt Nam

Các nhà sản xuất ở Việt Nam cho biết đơn đặt hàng mới tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp nhưng tăng yếu hơn so với mức tăng của tháng 9. Theo các chuyên viên của tổ nghiên cứu, đơn đặt hàng mới được thúc đẩy bởi doanh thu xuất khẩu mới tăng lên với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng qua.

Đơn đặt hàng mới tăng cao dẫn dắt các công ty nâng cao sản xuất. Sự gia tăng vững chắc trong đơn đặt hàng mới trong tháng 9 đã hỗ trợ tăng trưởng sản lượng trong tháng 10. Sản lượng đầu ra tăng là yếu tố giúp gia tăng việc làm tháng thứ 2 liên tiếp và việc làm trong tháng 10 tăng nhanh nhất trong năm 2014.

Mặc dù giá đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 10, tỷ lệ lạm phát chậm lại tháng thứ 3 liên tiếp và ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013. Các chuyên viên nghiên cứu cho biết một số nhà cung cấp đã tăng chi phí nhưng một số khác đã giảm giá tại các thị trường hàng hóa thế giới. Tiết kiệm chi phí cho phép một số công ty giảm giá đầu ra của họ.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp rút ngắn trong tháng 10, kết thúc một chuỗi 7 tháng thời gian giao hàng kéo dài.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, bà Trinh Nguyen - Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà dần phục hồi kinh tế. Chỉ số PMI tháng 10  cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục mở rộng nhờ đơn hàng xuất khẩu cao hơn, làm nổi bật khả năng cạnh tranh của đất nước trong ngành sản xuất thâm dụng lao động. Chỉ số việc làm đã tăng mạnh, một dấu hiệu tích cực về triển vọng của nhà sản xuất cho nhu cầu trong tương lai. HSBC hy vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng tốt hơn nhờ nhu cầu bên ngoài. Vấn đề còn lại là để các khu vực trong nước cùng đóng góp nhằm giúp Việt Nam đạt trở lại mức tăng trưởng trung bình trong dài hạn.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *