Tính “hai mặt” của lạm phát thấp

FICA - Một mặt lạm phát thấp làm tăng thu nhập thực tế và thúc đẩy tiêu dùng, giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác cũng làm tăng lãi suất thực và gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư và vay mượn.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội tại Báo cáo vĩ mô quý IV/2014, giá cả đã thay đổi chậm nhất kể từ năm 2000.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình năm 2014 tăng 4,09%, bằng một nửa tỉ lệ tăng trung bình 10 năm gần đây. Tỉ lệ lạm phát giá giảm từ 5,45% vào tháng 1 xuống 1,84% vào tháng 12.

Đóng góp chủ yếu vào lạm phát thấp là sự suy giảm kéo dài của lạm phát lõi (các hàng hoá không bao gồm lương thực, thực phẩm, và xăng dầu). Kể từ 2012, lạm phát lõi hàng năm giảm một nửa, tới cuối 2014 chỉ còn 3,2%. Nhóm hàng hoá thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, và xăng dầu đã ngả sang xu hướng giảm trong nửa sau 2014 theo xu hướng giảm toàn cầu.

Nhu cầu tiêu thụ toàn cầu thấp trong khi nguồn cung lớn và kém nhạy với giá góp phần giải thích xu hướng giảm giá hàng hoá cơ bản. Giá cả giao ngay và các hợp đồng tương lai phản ánh kỳ vọng và nhận định kém tích cực về kinh tế toàn cầu. Chỉ số giá lương thực và thực phẩm thế giới giảm tháng thứ 16 liên tiếp; chỉ số này trong tháng 10/2014 giảm gần 7% so với năm ngoái. Giá dầu thô thế giới cũng đã giảm 25% kể từ tháng 9/2014.

Theo VEPR, lạm phát giảm thấp có thể gây ảnh hưởng đối nghịch. Một mặt lạm phát thấp làm tăng thu nhập thực tế và thúc đẩy tiêu dùng, giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh hưởng này còn được hỗ trợ bởi xu hướng giảm của lãi suất.

Mặt khác, kỳ vọng lạm phát thấp, thậm chí là âm, có thể tiếp thêm kỳ vọng giá cả sẽ còn giảm và người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu hiện tại, nhất là cho hàng hoá lâu bền. Một cơ chế khác là lãi suất thực tế tăng lên cũng trì hoãn tiêu dùng và tăng cường tiết kiệm tư nhân.

Với doanh nghiệp, lạm phát thấp cũng có thể hạn chế mức độ gia tăng đầu tư do giảm doanh thu, tăng lãi suất thực và gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư và vay mượn.

Dự báo lạm phát sẽ tăng mạnh trong 2015

Cũng tại báo cáo này, VEPR cho rằng, chi tiêu cho tiêu dùng sẽ củng cố xu hướng đi lên trong năm 2015 khi những cải thiện trong việc làm và thu nhập đang trở nên rõ ràng hơn.

Theo đó, tầng lớp trung lưu đang lớn dần và dân số trẻ vẫn là các yếu tố hỗ trợ chính cho xu hướng tăng trưởng của tiêu dùng trong trung hạn.

Sự mở cửa thị trường bán lẻ trong nước là một cú sốc tích cực từ phía cung; tuy nhiên, vị thế của hàng hoá sản xuất trong nước tại những cơ sở có đầu tư nước ngoài còn là một ẩn số.

Theo VEPR, tỉ lệ lạm phát cuối năm 2015 dự báo đạt 4,09%, cao hơn mức 1,84% vào tháng 12 năm 2014. Nền lạm phát thấp cho phép Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ công ích, trong đó giá điện dự tính sẽ tăng tới gần 10% trong năm 2015, nhiều khả năng chia làm 2 lần với mỗi bước 5%.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất song sẽ lan toả tương đối hạn chế đến giá cả tiêu dùng. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu – mà khả năng tương đối thấp, các cân đối vĩ mô sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó tăng trưởng có thể mất ròng 1-1,5 điểm phần trăm, trong khi lạm phát mất 4-6 điểm phần trăm.

Trong trường hợp chính sách tiền tệ nới lỏng kết hợp với sự phản ứng nhạy hơn của tiêu dùng và đầu tư với lãi suất thấp, tăng trưởng có thể tăng thêm 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm trong khi tỉ lệ lạm phát vẫn nằm dưới tỉ lệ mục tiêu 5%.

Cán cân ngân sách có thể chịu thâm hụt cao hơn trong năm 2015 do có độ trễ trong phản ứng của chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư với lạm phát thấp. Do những yếu tố tác động tích cực từ việc giá dầu giảm sẽ chỉ thấy rõ hơn trong trung hạn, hậu quả tiềm tàng là chính phủ có thể sẽ bị hấp dẫn trước lựa chọn tăng thuế suất hoặc tạo lạm phát (thông qua nới lỏng tiền tệ hoặc tăng giá dịch vụ công) để bù đắp hụt thu nếu chi ngân sách không được tiết chế - một quyết định thiếu khôn ngoan. Ảnh hưởng tiêu cực do tăng thuế hay tạo ra lạm phát có thể tạo ra kỳ vọng tiêu cực về tương lai và làm chậm khả năng phục hồi kinh tế.

Cũng theo VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 dự báo sơ bộ khoảng 6,2% theo kịch bản cơ sở mà trong đó các xu hướng lớn của quá khứ không thay đổi. Tỉ lệ này cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với tăng trưởng ước tính năm 2014.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *