Tiền đồng: Phá giá hay là không?

Việc phá giá hay không phá giá đồng tiền Việt Nam được nhiều chuyên gia tranh luận khá gay gắt.

Trường phái bảo thủ (tạm gọi như vậy) cho rằng cần hết sức cẩn trọng trong việc phá giá vì có thể dẫn đến lạm phát và tăng bất ổn cho nền kinh tế. Trong khi đó, trường phái cấp tiến (tạm gọi như vậy) cho rằng, việc phá giá, thậm chí phá giá mạnh tay, sẽ có lợi nhiều hơn là có hại.

Có chuyên gia còn hăng hái đến độ khuyến khích phá giá đến vài chục phần trăm thì mới đúng "đô” và nên phá giá càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn. Có chuyên gia lập luận để chứng minh phá giá không hề dẫn đến lạm phát, nếu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được lượng cung tiền.

Thật khó có thể khẳng định được ai đúng, ai sai. Quả thực, nếu dễ dàng biết được đúng sai thì làm gì có chuyện nhiều nước, kể cả những nước phát triển cũng mắc sai lầm trong nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính dẫn đến sa lầy trong khủng hoảng kéo dài, làm ảnh hưởng đến cả thế giới.

Có nhiều lý do khiến các chính sách kinh tế hay tiền tệ khi đưa ra rất khó dự báo kết quả, mặc dù về mặt lý thuyết, có thể tính trước sự thành công. Vấn đề tỷ giá cũng vậy. Về mặt lý thuyết, ai cũng biết "neo" tỷ giá một cách bất hợp lý sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu; và muốn hỗ trợ xuất khẩu, Việt Nam buộc phải phá giá đồng tiền.

Cũng về mặt lý thuyết, có thể đồng thời đạt được hai mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu qua phá giá và chống lạm phát qua việc kiểm soát cung tiền. Tuy nhiên, cái không thuộc về lý thuyết, thậm chí đôi khi trái ngược hoàn toàn với lý thuyết, lại là tâm lý con người. Diễn biến tâm lý con người, nhất là số đông người dân, luôn phức tạp, khó lường, nhiều khi vượt xa những gì các chuyên gia đã tính toán và dự báo.

Với tư duy "bầy đàn" cố hữu, cộng với chỉ số niềm tin quá yếu, người dân luôn có thói quen phản ứng dữ dội trước những động thái khác thường dù là "chút xíu" của Nhà nước. Từ những yếu tố tâm lý rất khó dự đoán có thể gây hậu quả khó lường, các nhà làm chính sách luôn rất thận trọng khi đưa ra những quyết định liên quan đến việc phá giá đồng tiền.

Ngoài ra, các tác động "kéo" (pull) và "đẩy" (push) lên lạm phát từ sức cầu (demand) và từ chi phí sản xuất (cost) như phân tích dưới đây cũng sẽ là yếu tố cần lưu ý khi điều hành chính sách tỷ giá.

Lạm phát kéo bởi sức cầu (demand-pull inflation). Khi phá giá tiền đồng thì hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có giá VND cao hơn, dẫn đến giá bán sẽ cao hơn. Nếu hàng nhập khẩu là máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thì khi đưa vào sản xuất, chi phí sản xuất (theo VND) cũng sẽ tăng theo, dẫn đến giá thành tăng và giá bán trong nước cũng sẽ tăng (nếu hàng được sản xuất để bán trong nước).

Trong cả hai trường hợp (nhập hàng để bán và nhập nguyên vật liệu để sản xuất cho nhu cầu tiêu thụ nội địa) đều có thể (xin nhấn mạnh là có thể) dẫn đến giá bán của các mặt hàng tăng lên.

Khi đó, những mặt hàng sản xuất và tiêu thụ hoàn toàn trong nước cũng có "tâm lý ăn theo" nên cũng tăng giá (ví dụ sữa nhập tăng giá thì sữa nội cũng tăng giá theo mức tương ứng; thịt bò nhập ngoại tăng giá thì thịt bò nội cũng tăng theo...). Kết quả là chỉ số tiêu dùng có thể tăng, dẫn đến lạm phát.

Khi phá giá tiền đồng, hàng hóa sẽ xuất khẩu được nhiều hơn, dẫn đến nguồn cung trong nước có thể giảm và sức cầu trong nước có thể sẽ cao hơn so với sức cung, kéo theo giá bán cũng cao hơn (ví dụ khi không xuất được trái vải thì giá vải trong nước thấp; nhưng khi xuất được nhiều vải thì lập tức giá vải trong nước tăng lên).

Như vậy phá giá đồng tiền có thể (chỉ là có thể) làm tăng (tương đối) sức cầu trong nước và làm tăng giá bán, có thể dẫn đến lạm phát. Dạng lạm phát này được các chuyên gia gọi là "demand-pull inflation" (tạm dịch, lạm phát kéo bởi sức cầu).

Lạm phát đẩy bởi chi phí (Cost-push inflation). Ngoài ra, theo ghi nhận của các chuyên gia, khi xuất khẩu tốt thì các nhà sản xuất trong nước có xu hướng tập trung vào sản lượng để đáp ứng đơn hàng và lơ là, thậm chí giảm hẳn, các nỗ lực cải tiến sản xuất để giảm giá thành (vì ít bị bức bách bởi cạnh tranh).

Do vậy giá thành sản xuất sẽ cao, dẫn đến giá bán trong nước cũng sẽ cao, lại có thể dẫn đến lạm phát. Dạng lạm phát này được các chuyên gia gọi là cost- push inflation (tạm dịch, lạm phát đẩy bởi chi phí).

Nếu vì muốn hỗ trợ xuất khẩu mà phá giá tiền đồng một cách vội vàng, đột ngột với biên độ gây "sốc" thì sẽ hết sức nguy hiểm. Một khi lạm phát từ "kéo" và "đẩy" cùng lúc bùng lên, cộng với hiệu ứng tâm lý đám đông, mọi nỗ lực ổn định nền kinh tế sẽ trở thành "đổ sông đổ biển.

Tuy vậy, việc neo giữ tỷ giá quá lâu sẽ làm méo mó thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo sự dồn nén nguy hiểm mà đến lúc nào đó nếu buộc phải "bung" ra sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt ở biên độ vừa phải và hạn chế những cam kết võ đoán (về tỷ giá) từ phía Ngân hàng Nhà nước là hết sức cần thiết để từng bước "làm tròn" thị trường trở lại, nhằm giảm nguy cơ bị "nổ tung tóe" khi bị dồn nén quá mức.

Theo NGUYỄN HỮU LONG
Doanh nhân Sài gòn
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *