Thủ tướng yêu cầu SCIC thoái vốn khỏi MaritimeBank, Bảo Việt, FPT

FICA - SCIC sẽ được nắm giữ, đầu tư dài hạn tại Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; CTCP Viễn thông FPT; CTCP Dược Hậu Giang và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhưng phải thoái vốn khỏi 376 doanh nghiệp trước cuối năm 2015.


SCIC phải vốn khỏi 376 doanh nghiệp trước cuối năm 2015

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015.

Mục tiêu tái cơ cấu SCIC nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn. 

Ngoài ra, việc cấu lại SCIC sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Sau tái cơ cấu, SCIC sẽ tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, SCIC cũng có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, bán phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Tổng công ty được giao vốn điều lệ đến năm 2015 là 50.000 tỷ đồng.

Qua đề án, Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn đến năm 2015, SCIC được duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC; Công ty TNHH một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Kinh doanh khoáng sản Vinaconex.

Có 4 doanh nghiệp Tổng công ty nắm giữ, đầu tư dài hạn bao gồm CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; CTCP Viễn thông FPT; CTCP Dược Hậu Giang và CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk). Ngoài ra, SCIC cũng có cổ phần, vốn góp chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại 24 doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện cổ phần hóa, Tổng công ty nắm giữ cổ phần chi phối đối với Công ty TNHH một thành viên Thương mại, du lịch và dịch vụ tổng hợp Điện Biên; Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản Lai Châu.

Đáng chú ý, theo quyết định này, SCIC được giao phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 376 doanh nghiệp. Trong danh sách này có Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank); Tập đoàn Bảo Việt; Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam; Công ty cổ phần FPT.

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Nhựa Rạng Đông; TRAPHACO; Nhiệt điện Phả Lại; CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo, Muối Khánh Hòa, Mía đường Phan Rang, Xi măng Tiên Sơn, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Bảo vệ Thực vật An Giang... cũng thuộc danh mục doanh nghiệp mà SCIC phải rút vốn hoàn toàn.

Theo Quyết định, SCIC sẽ hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty và Nghị định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty.

Đồng thời, Tổng công ty cũng sẽ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; phát triển và quản lý nguồn nhân lực một cách có hệ thống, tập trung phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Thu hút và đào tạo nhân sự tài năng, có chuyên môn, kinh nghiệm trên thị trường. Tăng cường cơ chế đãi ngộ, khuyến khích người lao động, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đầu tư và tài chính...

 

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *