Thủ tướng: "Ngành thuế phải dẹp bỏ ngay tình trạng phí bôi trơn"

Tại hội nghị ngành thuế chiều nay (31/1), cho rằng: Tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực trong ngành thuế vẫn xảy ra, báo chí và doanh nghiệp còn phản ánh, Thủ tướng chỉ đạo: Ngành thuế phải dẹp bỏ ngay tình trạng "phí bôi trơn"


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khiếu nại của doanh nghiệp với Bộ Tài chính vẫn còn nhiều

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khiếu nại của doanh nghiệp với Bộ Tài chính vẫn còn nhiều

“Đi đâu tôi cũng hỏi, bao giờ ông cân đối được ngân sách?”

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 do Tổng cục Thuế tổ chức chiều nay (31/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “2017 là năm có nhiều kỷ lục, trong đó đóng góp của ngành thuế là không nhỏ. Điển hình như lần đầu tiên trong lịch sử, thu thuế vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Như vậy so với số dự toán được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 968.580 tỷ đồng, ngành thuế đã thu vượt 5%".

"Cũng trong năm 2017, chúng ta đạt mức tăng trưởng GDP rất cao, 6,81%. Nếu thu ngân sách không đạt thì có tăng trưởng cao cũng đâu giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nhưng thực tế chúng ta đã vượt thu, đó là điều rất mừng”, ông nói.

Thủ tướng dẫn chứng, một số nước trong khu vực dù quy mô GDP tăng liên tục nhưng do thất thu ngân sách nên vẫn phải đi vay rất nhiều.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cân đối được ngân sách là vấn đề rất quan trọng để tạo được niềm tin cho thị trường, cho người dân.

“Nếu mất cân đối tài chính, lạm phát cao thì nhà đầu tư họ không muốn vào đâu”, Thủ tướng nói.

Cũng trong năm 2017, thu ngân sách địa phương vượt 12,9% dự toán, tương đương 60.000 tỷ đồng, cá biệt vẫn còn một số địa phương thu thấp, khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương. Tuy nhiên theo Thủ tướng, hầu hết các địa phương đều đã thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đây cũng là một trong những điểm tích cực.

“Tôi đi đâu cũng hay hỏi một câu: Ông bí thư, ông chủ tịch, bao giờ cân đối được ngân sách?”, Thủ tướng chia sẻ.

Chính sách thuế: Vẫn theo tư duy có lợi cho cơ quan nhà nước

Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, Thủ tướng cũng cho rằng cần phải nhìn rõ tồn tại bất cập để khắc phục, hoàn thiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết công tác hoàn thiển thể chế tuy còn tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, gây khó khăn cho người nộp thuế và doanh nghiệp. Đặc biệt là thời gian vừa qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người dân, doanh nghiệp.

“Cần đảm bảo chính sách ổn định hơn. Để làm được điều này, cần có tư duy chính sách toàn diện hơn”, Thủ tướng yêu cầu.

Cũng theo Thủ tướng, chính sách thuế vẫn theo tư duy có lợi cho cơ quan nhà nước. Chưa hướng tới bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. “Mình làm việc gì đó thì phải suy nghĩ cho người nộp thuế xem họ suy nghĩ gì. Làm sao để tạo điều kiện cho sự phát triển nữa”, Thủ tướng nói và cho rằng đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Theo đó, việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Ngoài ra việc xây dựng chính sách thuế cũng cần được toàn diện hơn. Thủ tướng cho rằng giải quyết việc làm, thu hút đầu tư… là những vấn đề quan trọng chứ không phải cứ thu thuế cao hơn là tốt.

Thủ tướng cũng đề cập tới tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực vẫn xảy ra mà báo chí, doanh nghiệp phản ánh thời gian qua.

“Khiếu nại doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính về ngành thuế mặc dù số lượng ít hơn những vẫn còn nhiều”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó là tình trốn thuế, chuyển giá, chây ì nộp thuế… diễn ra rất phức tạp, thất thu còn lớn, giảm tính công bằng. Ngoài ra, định hướng cơ chế về thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế.

Đáng chú ý, dẫn kết quả điều tra của VCCI cho thấy chi phí "bôi trơn" của doanh nghiệp cho công chức thanh tra, kiểm tra thuế vẫn còn lớn, Thủ tướng cho rằng, ngành thuế cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này. Theo Thủ tướng, cán bộ ngành thuế phải nói không với tiêu cực” và đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

Cũng theo Thủ tướng, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook….

“Thuế khoán nhất là dịch vụ, ở Hà Nội và TP.HCM thất thoát nhiều lắm. Môi giới, đại lí mua bán đất động sản lớn lắm nhưng có đóng được bao nhiêu. Chưa kể mấy triệu hộ kinh doanh cá thể nữa…”, Thủ tướng cho rằng chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc khai thác những nguồn thu này.

Một lần nữa người đứng đầu Chính phủ lại đề cập tới vấn đề tính kinh tế phi chính thức vào GDP. Theo Thủ tướng, kinh tế phi chính thức là rất lớn.

“Chúng ta thấy thành phố lớn như đại công trường, mỗi năm nhập mấy triệu ô tô nhưng chưa tính hết, nhất là dịch vụ, còn bỏ sót rất lớn giá trị GDP. Người dân mua nhà lầu, xe hơi, ăn thịt bò, uống rượu… số lượng lớn nhưng chưa tính được”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Thủ tướngđã yêu cầu ngành thuế cần đảm bảo chính sách ổn định, toàn diện có sức sống, quan tâm bảo vệ quyền lợi của ng nộp thuế. Mở rộng cơ sở thay vì tăng thuế suất. nếu tăng thuế suất cũng phải tính đến sự hài hoà với việc mở rộng cơ sở thuế.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc câu chuyện về thói quen không hay dùng hoá đơn ở Việt Nam. Theo Thủ tướng, ở nước ngoài mua tăm hay xi đánh giày cũng phải hoá đơn. Trong khi đó ở Việt Nam, người mua không cần mà người bán cũng vậy. Cần có chế tài cho vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *