Thủ tướng: “Không có toàn dân làm kinh tế thì không thắng lợi được!”

FICA - Thủ tướng nhận định, đến hết năm 2015, cổ phần hóa thu về được nhiều nhất là 150.000 tỷ đồng, trên tổng tài sản 3,2 triệu tỷ đồng và trên tổng vốn là 1,2 triệu tỷ đồng là quá ít, chưa hề đạt được như kỳ vọng. Tiến độ cần được đẩy mạnh hơn nhằm hoàn thành cổ phần hóa 285 DNNN trong 2015, tuy nhiên, không được bán tháo, bán rẻ, làm thất thoát vốn Nhà nước.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong quý I năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cổ phần hóa là một nội dung hết sức quan trọng trong đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Việt Nam.

Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều hoạt động có hiệu quả hơn, thể hiện qua doanh thu và lợi nhuận đều tăng, tổng tài sản tăng và thu nhập người lao động cải thiện.

Tuy nhiên, việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước cần phải có kế hoạch, thực hiện bình tĩnh, hiệu quả và chặt chẽ. Quyết tâm của Chính phủ là trong 2 năm 2014 – 2015 phải cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp, trong năm 2014 mới đạt 143 doanh nghiệp và còn 289 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trong 2015. Trong số này nhiều doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo, có 192 doanh nghiệp đang tiến hành xác định doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu, với 192 doanh nghiệp này cần nhanh chóng xác định xong giá trị doanh nghiệp, khi đã công bố thì phải sớm tiến hành cổ phần hóa.

“Phải đạt được mục tiêu trong 2015 nhưng không được làm bán tháo, bán rẻ làm thất thoát vốn nhà nước!” – người đứng đầu Chính phủ quán triệt. Đi liền với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là đổi mới quản trị, làm thế nào sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.

Theo báo cáo, đến nay, cả nước đã thoái vốn được gần 5.000 tỷ đồng nhưng tổng thu về đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 45% tổng thu từ thoái vốn. Đáng chú ý là số doanh nghiệp thực hiện đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn qua 2 Sở Giao dịch chứng khoán trong năm 2014 cao gấp 1,4 lần so với cả 3 năm trước.

Đến nay đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của Thủ tướng, hiện tài sản Nhà nước trong các DNNN rất lớn với 3,2 triệu tỷ đồng, vốn nhà nước 1,2 triệu tỷ đồng. Với đóng góp gần 40% GDP đất nước, doanh nghiệp nhà nước đã có công lớn để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 lên 5,98% và trong quý I đạt 6,03%. Tuy nhiên, hiệu quả của DNNN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn, chưa tương xứng với tổng tài sản và số vốn của DNNN hiện có, một số doanh nghiệp vẫn còn thua lỗ, năng suất lao động trong DNNN nhìn chung là thấp.

Trong khi đó, tiến trình cổ phần hóa diễn ra còn chậm. Thủ tướng nhận định, đến hết năm 2015, cổ phần hóa thu về được nhiều nhất là 150.000 tỷ đồng, trên tổng tài sản 3,2 triệu tỷ đồng và trên tổng vốn là 1,2 triệu tỷ đồng là quá ít, chưa hề đạt được như kỳ vọng. “Tôi nói con số này là để các đồng chí cứ mạnh dạn mà cổ phần hóa. Cổ phần hóa có nhiều ý nghĩa, vừa huy động được nguồn lực xã hội, vừa giúp doanh nghiệp minh bạch hơn, hoạt động hiệu quả hơn” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, đối với những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối hoặc không cần nắm cổ phần thì thoái vốn tối đa, tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Cần nghiên cứu về phương án bán trọn lô. “Tôi bỏ tiền vào đầu tư mà anh vẫn chi phối, anh quyết hết, hoạt động không hiệu quả thì tôi đầu tư làm gì. Nếu các anh cứ muốn nắm quyền điều hành, thua lỗ thì ai mà mua cho được!” – Thủ tướng phân tích.

Trước các lãnh đạo Bộ ngành, Thủ tướng quán triệt: “Bây giờ, toàn dân làm kinh tế, mà không có toàn dân làm kinh tế thì không thắng lợi được đâu! Không ai thay được nhận dân hết. Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo điều kiện hạ tầng”.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *