Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo Việt Nam “đứng chót” Đông Nam Á

Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong thời gian tới nếu không có động lực mới Việt Nam sẽ tụt hậu.

Thu nhập đầu người chỉ hơn Myanmar, Lào, Capuchia

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 10-10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Trong giai đoạn 2013 đến hết quý 3-2014, GDP đã có xu hướng tăng lên nhưng mức tăng trưởng còn rất mong manh, chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do Việt Nam phải chịu tác động và đối mặt với nhiều khó khăn của kinh tế thế giới, nội lực của đất nước còn hạn chế, nhu cầu nội địa thấp…

Xét tổng thể, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định kinh tế trong nước chưa như mong đợi, hiệu quả đầu tư thấp chưa có nền tảng, mô hình tăng trưởng thiếu tính vững chắc, xuất khẩu dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI…

Lưu ý Việt Nam đứng ở vị trí như thế nào so với các nước cùng điều kiện, hoàn cảnh, trong cùng thời gian như nhau, ông Nguyễn Chí Dũng thắc mắc: Biến động của kinh tế thế giới đều tác động đến các nước, nhưng tại sao các nước vẫn phát triển được còn Việt Nam lại tăng trưởng chậm, vẫn mong manh?

Thứ Trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Vấn đề lớn nhất của chúng ta là con người, thể chế. Hiện nay, thể chế chính sách của chúng ta vẫn thiếu tính định hướng dài hạn, cơ chế chính sách chỉ mang tính chắp vá bù đắp lại những lỗ hổng chứ không phải chủ động. Chính sách nhiều trong khi không có nguồn lực để làm và làm không tập trung nên không hiệu quả”.

Ông Dũng cảnh báo: Đã đến lúc kinh tế Việt Nam phải có những thay đổi cơ bản. Trong thời gian tới không có động lực mới Việt Nam sẽ tụt hậu. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người chúng ta chỉ còn hơn hơn Myanmar, Lào, Campuchia. Tôi e rằng cứ trong tình trạng này trong vòng 3-5 năm tới các nước này vượt mình. Lúc đó có nguy cơ Việt Nam đứng chót trong khu vực Đông Nam Á.

2 kịch bản cho 5 năm tới

Tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Thành, chuyên gia của NCIF đã đưa ra 2 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới.

Theo kịch bản thứ nhất, với mô hình tăng trưởng được chuyển đổi chậm, không liên tục; không tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập quốc tế; quản trị Nhà nước chưa được cải thiện đáng kể, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5%; lạm phát 6,7%...

Kịch bản thứ 2, cũng là kịch bản chủ, với nhiều khả năng xảy ra hơn, được hy vọng khi nền kinh tế thế giới ổn định và Việt Nam dốc toàn lực cho công cuộc cải cách nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Khi đó, những cơ hội từ hội nhập kinh tế sẽ được tận dụng tốt hơn, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn. Do vậy, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7,1%%; lạm phát 7,21%...

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Thời gian tới Việt Nam không khó để đạt mức tăng trưởng 6%, nhưng đó vẫn là mức tăng trưởng dưới tiềm năng. Thời gian tới kinh tế Việt Nam không thể tăng trưởng bằng mở rộng đầu tư.

"Để tăng trưởng, không còn cách nào khác chúng ta phải tăng năng suất lao động. Bởi vì tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 40% GDP xuống 30% GDP và chúng ta không còn dư địa để tăng vốn đầu tư" - ông Vũ Viết Ngoạn chia sẻ.

Theo Lương Bằng
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *