Tham nhũng, gánh nặng luật của Việt Nam hơn cả Lào và Campuchia

FICA - Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2014, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) khẳng định: môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn ở các yếu tố gia tăng như: tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và cơ sở hạ tầng thấp.

“Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang với Lào, Campuchia song đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với 2 nước này”, nội dung của báo cáo nêu rõ.

 

Bản báo cáo đánh giá, những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013 cho thấy Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010 mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Philippines…

 

Doanh nghiệp FDI cho biết tình trạng và tần suất chi trả chi phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin cấp phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục tại cảng khi xuất nhập khẩu và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng và bày tỏ sự quan ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

 

DN FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN có quy mô nhỏ, tập trung cho xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc công ty đa quốc gia do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị.

 

Theo tiêu chuẩn quốc tế, DN FDI tại Việt Nam có quy mô trương đối nhỏ. Một DN trung bình có khoảng 125 lao động và khoảng 77% DN FDI tại Việt Nam có dưới 300 lao động. Trên thực tế 30% trong số này có ít hơn 50 lao động.

 

Đặc biệt, 88% DN FDI tham gia khảo sát PCI là DN 100% vốn nước ngoài. Con số này cũng tương đồng với số liệu điều tra DN của Tổng cục Thống kê và rất đáng chú ý, bởi trong thời gian đầu Việt Nam mới mở cửa cho đầu tư nước ngoài (1987-1991), nhà đầu tư nước ngoài không được góp vốn 100% mà buộc phải liên doanh với DN Nhà nước.

 

Về phía nhà cung cấp, nguồn cung ứng nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng. 8,1% DN FDI mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào thông qua công ty mẹ, 54% mua một số mặt hàng từ nước xuất xứ và 34% mua từ nhà cung cấp thứ 3. Sự phụ thuộc nguồn cung nước ngoài góp phần tạo ra quan ngại từ phía Chính phủ Việt Nam về nguy cơ chuyển giá.

 

Về môi trường kinh doanh, khoảng 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%).

 

Đối với tình trạng chi phí không chính thức, đây là lĩnh vực mà Việt Nam gần đây bị các nhà đầu tư đánh giá khá thấp trong các bảng xếp hạng quốc tế. năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nước trong chi số nhận thức tham nhũng của tổ chức minh bạch quốc tế. xếp thứ 126 trong chỉ số kiểm soát tham nhũng của ngân hàng thế giới và đứng thứ 74 trong xếp hạng đánh giá rủi ro quốc gia.

 

Đồng thời, theo các cuộc khảo sát tín nhiệm quốc tế, xếp hạng của Việt Nam không mấy tích cực. Khoảng 17% các DN FDI thừa nhận rằng họ đã trả phí không chính thức để có được giấy phép đầu tư và 31% hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước. hối lộ trong các hợp đồng kí kết tăng cao đáng ngạc nhiên, gấp 3 lần số điểm ghi nhận trong năm ngoái.

 

Theo đó các khoản chi phí chính thức cũng tăng lên từ năm 2013. Năm ngoái khoảng 32% DN cho biết tổng chi phí chính thức của họ hơn 1% thu nhập mỗi năm, năm nay con số này tăng lên 38%. Thậm chí, các nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hạng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam tệ hơn so với hầu hết các nước cạnh tranh tiềm năng khác mà họ cân nhắc thay thế.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *