Tăng thuế, phí bù ngân sách: Khấu trừ vào nền kinh tế...

Tăng thu ngay bây giờ nghĩa là khấu trừ ngay từ đầu và nền kinh tế vẫn phải chịu thiệt.

Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới đã phân tích nhiều hệ lụy từ việc tăng thuế, phí khi giá dầu giảm.

 

Chỉ lo thu bù cho đủ phần của mình

 

PV: Thưa ông lý giải về việc hàng loạt phí đồng loạt được đề xuất tăng trong năm 2015 (phí môi trường xăng dầu 300%, một số phí đường bộ…) giới chuyên gia kinh tế cho rằng vì lý do áp lực thất thu ngân sách, trả nợ công. Ông bình luận như thế nào về nhận định này? Theo ông, việc tăng phí để bù thu ngân sách và trả nợ công có phù hợp hay không và vì sao?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Thực ra giá dầu giảm ngân sách thiếu đi một khoản trong khi Chính phủ không thể chờ cho đến khi nền kinh tế phát triển nhờ giá dầu giảm để thu từ phần khác lại mà phải tính thu ngay từ các thuế, phí cũng là dễ hiểu.

 

Chỉ có điều việc thu đó có nghĩa là nền kinh tế về cơ bản là không được lợi từ giá dầu nữa. Coi như giá dầu vẫn như vậy chứ không khác gì nhau cả.

 

Lẽ ra nền kinh tế sẽ được lan tỏa khi hưởng lợi và sẽ lớn dần nhờ các chi phí thấp và các doanh nghiệp được lãi sẽ mở mang cơ sở, tạo thêm công ăn việc làm và khi đó nền kinh tế sẽ tăng trưởng.

 

Lúc này Chính phủ sẽ được thu tăng lên từ thuế vì doanh nghiệp họ làm ăn được. Nhưng nếu tăng thu ngay bây giờ (nghĩa là khấu từ đầu) thay vì Chính phủ khấu đầu kia và nền kinh tế vẫn phải chịu như thế.

 

Nghĩa là yếu tố giá dầu giảm tác động tích cực đến nền kinh tế là không còn nữa.

 

PV: - Nhìn từ góc độ doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ), trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc tăng thuế, phí hàng loạt sẽ tác động tới sức tồn tại của các doanh nghiệp này như thế nào? Thưa ông, số lượng doanh nghiệp phá sản ở mức cao trong hai năm trở lại đây có phải là minh chứng cho điều này hay không và tại sao?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Việc tăng thuế, phí gây áp lực khiến doanh nghiệp ngày càng yếu và khả năng tồn tại không cao cũng chỉ là một phần bởi thực tế còn rất nhiều thứ tăng khác nữa. Đơn cử như giá điện tăng 7,5% cũng như hàng loạt phí khác..

 

Trong khi có quá nhiều thứ đổ vào đầu doanh nghiệp, họ đang rất yếu thì việc mất niềm tin, chán nản là điều dễ xảy ra.

 

Có ý kiến lý giải cho việc tăng thuế, phí, hay giá là tận dụng lúc lạm phát thấp để kích lạm phát là quan điểm hết sức sai lầm.

 

Vấn đề là phải tăng trưởng kinh tế chứ không phải là tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng là do nhà nước mở rộng chi tiêu ra, sau đó tạo cầu đưa vào nền kinh tế, kích thích nền kinh tế mở mang.

 

Khi giá cả tăng lên theo quy trình mới là tăng tốt. Còn khi nền kinh tế đang rất yếu thì phải tăng chi tiêu để kích nhưng nay tiền hết rồi, số còn lại chỉ trông vào dầu lửa.

 

Thế nhưng giá dầu giảm lại hốt hoảng tăng thu các khoản khác lên thì sau hết cửa tăng. Tức là anh đang khấu thêm vào nền kinh tế khiến cho doanh nghiệp mệt mỏi.

 

Người dân chưa mừng được bao lâu thì doanh nghiệp phải tăng giá xăng dầu vì thuế phí
Người dân chưa mừng được bao lâu thì doanh nghiệp phải tăng giá xăng dầu vì thuế phí

 

Chính sách thiên vị

 

PV: Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang không có bất cứ lợi thế gì để tồn tại trên sân nhà: kinh nghiệm quản lý kém, mặt bằng công nghệ thấp, không được nhận bất cứ ưu đãi nào, gánh nặng thuế phí so với doanh nghiệp nhà nước và khối FDI. Đồng nghĩa, cuộc chiến để tồn tại giống như anh chàng tí hon đấu với gã khổng lồ. Ông có đồng tình với nhận định này không và vì sao?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Cũng không nên đưa ra so sánh như vậy. Đây không hẳn là hai nhóm đánh nhau để tranh giành tồn tại mà chính sách đang tạo ra như thế.

 

Chính phủ có vẻ chỉ chăm lo những anh có chút tiềm lực. Còn lại những doanh nghiệp khác bản thân nó đóng góp nhiều cho nền kinh tế nhưng không có tiềm lực thì lại không được lo lắng.

 

Quan điểm này ở nước khác có thể quy tội là thiên vị thậm chí có người ác ý còn nghĩ cơ quan quản lý có động cơ không lành mạnh khi tạo ra những chính sách như vậy.

 

Bản thân nhiệm vụ của Chính phủ như một trọng tài phân xử tạo ra sự công bằng và có trách nhiệm làm cho nền kinh tế quốc gia hùng mạnh, tăng trưởng, phát triển hài hòa và bền vững.

 

PV: - Năm 2015 vừa được tuyên bố là năm của doanh nghiệp. Theo ông, điều cần thay đổi nhất hiện nay là gì để quyết tâm đi đôi với hành động? Nếu không có cách tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào và hệ quả của điều đó sẽ ra sao?

 

Ths Bùi Ngọc Sơn: - Tôi nghĩ bản thân nền kinh tế đang chịu hệ quả khi năng suất không tăng được trong khi tiền vẫn ném ra. Trong khi chỉ số ICOR (còn được gọi là hệ số sử dụng vốn, hay hệ số đầu tư tăng trưởng, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm, v.v...) cao, năng suất lao động thấp.

Thời gian qua tiền của nhà nước đã đổ nhiều vào những nơi không hiệu quả, những chỗ làm có hiệu quả thì không được quan tâm thì rõ ràng là nền kinh tế sẽ bị suy kiệt dần đi.

 

Đã có nhiều diễn đàn bàn mãi về vấn đề này nhưng nếu không có hành động cụ thể thì giữa lời nói và việc làm là một khoảng cách lớn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Bích Ngọc
Đất Việt
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *