Sơ hở khiến ngân sách mất hơn ngàn tỷ; Giảm giá 1 cây kem cũng phải có… hồ sơ!

Kết luận của Thanh tra Chính phủ thông qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất cho thấy sai phạm lên tới gần 4.000 tỷ đồng mà nguyên nhân là do sơ hở về mặt chính sách. Đây là thông tin gây chú ý trong tuần qua. Ngoài ra, việc cải cách hành chính chậm chạp; lo lắng của doanh nghiệp, người dân sau khi giá xăng tăng cao… cũng được quan tâm. 

"Đất vàng" nhà máy xây cao ốc: Sơ hở khiến ngân sách mất cả ngàn tỷ

Theo Thanh tra Chính phủ, pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.

Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại.

Các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được cấp phép làm nhà ở, trung tâm thương mại.

“Đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa”, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Kết quả thanh tra 38 dự án cho thấy, trong tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng theo quy định của pháp luật như: chi phí dự phòng, lãi tiền vay ngân hàng, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp công trình… để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất, dẫn đến chủ đầu tư hưởng lợi về kinh tế trong khi ngân sách thất thu số tiền lớn.

Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền tính sai lên tới hơn 1.480 tỷ đồng. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.

Giảm giá 1 cây kem cũng phải có… hồ sơ!

“Trình độ cài cắm của nhiều bộ, ngành bây giờ đã đạt đến trình độ thượng thừa!” – đây là nhận xét của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI đưa ra sau quá trình theo dõi tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành.

VCCI đưa ra kịch bản: Giả sử một công ty khuyến mãi 10.000 que kem thì phải làm 10.000 biên bản (sic). Đại diện một DN thì phân tích theo kịch bản của Nghị định 81, nếu một cửa hàng bán lẻ kem có khuyến mãi theo hình thức: Khách hàng ăn một que kem, trúng thưởng thêm một chiếc và được trao thưởng ngay thì phải lập một biên bản cho việc trúng thưởng này.

“Quy định không nói rõ là lập một biên bản cho một lần trúng thưởng hay không nên cửa hàng bán lẻ kem có thể sẽ phải lập từng biên bản cho từng lần trúng thưởng kem; hoặc lập một biên bản dưới dạng danh sách các khách hàng trúng thưởng” - DN này nói.

Về vấn đề này, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận xét, tác động cải cách khá chậm mà nguyên nhân do tiền lương công chức không đủ sống nên thay vì đơn vị hành chính phục vụ doanh nghiệp, những người làm hành chính lại cản trở doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau.

Bởi thế nên phát sinh tình trạng công chức ra sức bày chiêu trò chặt chém doanh nghiệp để làm giàu cho mình.

Trong khi đó, công khai minh bạch của Việt Nam hiện giờ khá kém. Luật Ngân sách của Việt Nam công khai nhưng khá chung chung, chúng ta mới chỉ công khai các khoản chi tiêu ngân sách như đầu tư công năm nay bao nhiêu, chi thường xuyên, trả nợ và đầu tư thế nào...

"Giải mã" việc Trung Quốc đột ngột ngưng mua thanh long Việt Nam

Cách đây hơn nửa tháng, thanh long tại các tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… được các tiểu thương thu mua với giá 15.000-23.000 đồng/kg. Nhưng khoảng 10 ngày gần đây, nông dân đang khóc ròng vì thương lái không đến thu mua. Giá thanh long chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, nông dân thua lỗ.

Giá thanh long năm nay xuống thấp

Giá thanh long năm nay xuống thấp

Nguyên nhân được các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết thị trường Trung Quốc (TQ) giảm nhập. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là nhiều năm qua, TQ đã phát triển mạnh diện tích trồng thanh long nhằm cung cấp cho thị trường trong nước. Diện tích trồng thanh long của TQ là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Theo đó, nước này đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn.

Giá xăng tăng chóng mặt: Tiêu dùng chật vật, chi phí cao đè nặng doanh nghiệp

Sau 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON 92 đã leo lên mốc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với giá bán lẻ 20.906 đồng/lít. Còn xăng RON95 đang ở mốc 22.347 đồng/lít; dầu diesel 18.611 đồng/lít.

Mỗi lần xăng dầu tăng giá đều kéo theo tiếng thở dài của khách hàng, doanh nghiệp. Không đơn thuần chỉ là việc phải trả thêm mấy trăm đồng cho một lít xăng, đằng sau đó là cả nỗi lo về giá cả, lạm phát…

Thêm vào đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu - dự kiến tăng kịch trần vào đầu năm sau, từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít cùng với áp lực giá xăng tăng do giá thế giới tăng sẽ tạo ra những tác động không hề nhỏ đến sản xuất, tiêu dùng.

“Áp lực lạm phát năm sau là rất lớn. Lạm phát có 2 loại: Một là do cầu kéo lên thì rất tốt, còn lạm phát do chi phí đẩy như trên thì làm suy kiệt cầu, giảm sức sản xuất của doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhận định.

Biển hiệu "đồng phục hàng loạt" ở Hà Nội thất bại sau 2 năm

Đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được khánh thành vào tháng 5/2016, dài khoảng 1,5 km từ nút giao Tôn Thất Tùng đến sông Lừ. Đây được xem là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với “đồng phục” biển hiệu gây trang cãi trong dư luận một thời gian.

Các biển hiệu đồng phục trên phố kiểu mẫu đã bị thay thế

Các biển hiệu đồng phục trên phố "kiểu mẫu" đã bị thay thế

Phố Lê Trọng Tấn được đánh giá là đường đẹp, có hàng cây thoáng mát, vỉa hè thông thoáng, không hàng rong. Biển hiệu "tiêu chuẩn" có cùng một diện tích, kích cỡ, sơn hai màu xanh và đỏ, chữ trắng. Tuy nhiên sau 2 năm, nhiều biển hiệu “đồng phục” không còn, thay vào đó là các biển hiệu do chủ cửa hàng tự làm.

Hoảng loạn tháo chạy khỏi chứng khoán, hàng tỷ USD bị “thổi bay”

Không phải là cái kết tệ nhất trong ngày, tuy nhiên, VN-Index vẫn đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10 với mức giảm sâu 48,07 điểm (tương ứng mất 4,84%) còn 945,89 điểm. Mức giảm này cuốn đi hàng tỷ USD vốn hóa của sàn HSX. Thiệt hại của HNX-Index là 6,59 điểm (tương ứng 5,79%), còn 107,17 điểm.

Có tới 299 mã giảm giá trên sàn HSX, gấp 10 lần số mã tăng giá (trong đó tới 94 mã bị giảm kịch sàn). Đáng nói là không một mã nào trong rổ VN30 tăng hoặc trụ lại được ở mức giá tham chiếu, nhiều mã vốn hóa lớn giảm sâu, thậm chí giảm sàn. HNX có 159 mã giảm (37 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 28 mã tăng.

Trang cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán SSI đặt vấn đề: “Điều đáng ngại nhất là gần một ngày sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm 3,15% kéo theo việc mất điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán khác trên thế giới thì giới phân tích vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Câu hỏi đặt ra cho giới đầu tư, đây chỉ là phản ứng tâm lý bình thường hay có nguyên nhân ngầm nào mà chưa phát lộ?”.

Bích Diệp (tổng hợp)

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *