Singapore: Hành trình hóa Rồng và bài học cho Việt Nam

Từ một quốc gia còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đảo quốc Singapore đã lột xác thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại hàng đầu thế giới. Những gì mà Singapore đạt được từ thời kỳ lập quốc đến nay, đáng để cho VN học hỏi, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang nhìn lại 30 năm của quá trình đổi mới nền kinh tế đất nước.

Nếu tính riêng trong nhóm các quốc gia không có tài nguyên thì Singapore là quốc gia giàu có nhất thế giới, với dân số chỉ hơn 5 triệu người. Bình quân GDP tính trên đầu người của Singapore luôn nằm trong top 5 thế giới lên đến mức 55.000 USD/người (chỉ đứng sau 2 quốc gia là Qatar và Luxembourg).

Nhìn lại bước đi của Đảo quốc Sư tử

Chìa khóa cho sự chuyển mình của Singapore chính là việc quốc gia này đã tạo ra một trung tâm tài chính quy mô hàng đầu châu lục, cũng như thế giới (10% GDP của Singapore đến từ lĩnh vực tài chính). Bởi lẽ, người ta thức ở Singapore khi thị trường tài chính phương Tây chìm trong giấc ngủ, từ khi San Francisco tắt đèn đi ngủ cho tới khi Zurich thức dậy vào buổi sáng. Singapore đã lấp đầy chỗ trống và cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng 24/7.

Sau khi lên nắm quyền năm 1960, Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tập trung vào bồi đắp những yếu tố cơ bản của nền kinh tế - khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Bước đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Singapore đến vào năm 1968, khi Texas Instruments bắt đầu sản xuất chip bán dẫn ở Singapore. National Semiconductors theo chân ngay sau đó. Hewlett-Packard là một cái tên khác bị thu hút bởi Singapore và General Electric thành lập tới 6 cơ sở sản xuất ở đây. Đến những năm 1980, Singapore đã trở thành một nước lớn trên thị trường xuất khẩu hàng điện tử. Đến năm 1997, có gần 200 Cty Mỹ đặt cơ sở ở đây với tổng vốn đầu tư lên đến 19 tỷ USD.

Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối của riêng mình với chế độ một đảng lãnh đạo với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh, nhóm họp từ 5 người phải xin phép...). Sự nghiêm khắc này đã giúp đảo quốc Sư tử trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Chính sự an toàn cũng như thịnh vượng của đảo quốc đã thu hút dân cư tới từ nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Thế nhưng, tăng trưởng về dân số không làm cho Singapore gặp rắc rối về kinh tế, mà mang lại sự phát triển cho nhiều ngành nghề tại quốc gia này. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại đảo quốc sư tử này chỉ khoảng 2%.

Ngoài ra, xác định giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, Thủ tướng Lý Quang Diệu ban hành hàng loạt chính sách giáo dục, trong đó có sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học - một quyết định cực kỳ nhạy cảm tại một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Singapore. Ông Lý Quang Diệu kiên định với chính sách của mình bởi nhận thức rõ rằng tiếng Anh là ngôn ngữ để kiếm tiền và giúp Singapore hội nhập quốc kinh tế toàn cầu, và một nền kinh tế đa dạng, nhạy cảm kinh doanh.

Dù còn đó, những lời bình khác nhau từ bên ngoài, thế giới phải công nhận họ là xứ sở trong lành. Theo nghĩa thực, đó là môi trường sạch sẽ và xanh tươi. Theo nghĩa rộng, đó là cuộc sống văn minh, kỷ cương và mức độ tham nhũng xếp loại thấp nhất thế giới. Ở đây, một nước Singapore nhiều dân tộc (Hoa, Ấn, Mã lai), nhiều tôn giáo (Khổng giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo), nhưng xã hội ổn định, mọi người cùng tồn tại bên nhau và cùng đưa đất nước phát triển nhanh  trở thành Con Rồng Châu Á, đạt những tiêu chí sống - tuổi thọ và thu nhập - hàng đầu thế giới.

Việt Nam học gì?

Hành trình vươn lên trở thành con rồng Châu Á của Singapore chỉ trong vòng 30 năm, đã để lại cho nhiều quốc gia trong khu vực những bài học đắt giá, trong đó có VN. Vậy, chúng ta sẽ áp dụng những bài học đó như thế nào trong giai đoạn mới này.

Về hoạt động ngân hàng

Để thực hiện thành công công nghiệp hoá - hiện đại hóa, Chính phủ nên sớm có một khung pháp lý lành mạnh cho hệ thống tài chính, một khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát hữu hiệu hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng nội địa như Singapore.

Xây dựng hệ thống ngân hàng có tiềm lực vững mạnh, nhanh chóng đa dạng các hình thức huy động vốn, cùng với đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính nhằm khai thông vốn trong nước, đồng thời thu hút tư bản nước ngoài để đáp ứng vốn và kỹ thuật cho quá trình công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có biện pháp mở cửa đồng bộ cắt giảm thuế quan, chính sách ưu đãi tín dụng… để nâng cao chất lượng tín dụng.

Cần có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng, mở rộng tín dụng và thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất đối với những mặt hàng, ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến xuất khẩu, nhằm tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vấn đề hỗ trợ lãi suất cho tín dụng cần phải có chương trình hành động bước đi thích hợp với những chỉ tiêu cụ thể, với kinh nghiệm của các nước cần phải có chế độ kiểm soát chặt chẽ các khoản tín dụng để tránh nguy cơ thất thoát vốn.

Tuy nhiên, nếu sự can thiệp quá mức mang tính áp đặt của Chính phủ vào hoạt động ngân hàng sẽ trở nên bị gò bó, thiếu tính linh động, gây khó khăn cho ngân hàng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Kết hợp đồng bộ, việc sửa đổi hệ thống pháp luật điều chỉnh hàng loạt về chính sách môi trường kinh tế, cải cách hành chính để mở cửa cho ngân hàng nước ngoài đầu tư, cởi bỏ mọi hạn chế về quyền sở hữu, hình thức hoạt động, kể cả huy động và giao dịch với các đối tác tiền gởi bằng VND và thiết lập các chi nhánh ngân hàng tại các địa phương; mở rộng việc cung cấp các dịch vụ cao cấp, dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt … trong đó, cần nghiên cứu nâng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài tham gia đầu tư vào các ngân hàng thương mại VN (trên 30%) nhằm thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào thị trường tài chính VN.

Chính sách tài chính công

Đối với nền tài chính công, VN có thể học Singapore một số bài học sau: Chống tham nhũng, lãng phí quyết liệt và có hiệu lực trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội và chi tiêu tuỳ tiện công quỹ nhà nước không thể không là biện pháp lành mạnh hóa ngân sách nhà nước trong điều kiện hiện nay.

Tập trung nhiều hơn vào khu vực kinh tế tư nhân thay vì dồn vốn quá nhiều cho các DNNN. Singapore chính là điển hình trong việc tập trung vào kinh tế tư nhân khi gói kích cầu trị giá 20,5 tỉ SGD của họ đã giành tới 8,4 tỉ cho khu vực DN này.  Để sử dụng một cách hợp lý nguồn tài sản quốc gia, nước láng giềng Singapore đã lập Cty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước Temasek vào năm 1974.

Mới đây, VN cũng đã thành lập tập đoàn kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) với số vốn điều lệ lên tới 15.000 tỉ đồng. Nhìn vào thành công của Temasek, “cha đẻ” trong công cuộc phát triển của Singapore đã có một bài học rất lớn giành cho VN. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Công thương của Singapore đã từng nói: “Một trong những ảo tưởng tai họa mà nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đang nuôi dưỡng là quan niệm cho rằng các nhà chính trị và các quan chức có thể đảm nhận thành công các vai trò kinh doanh. Cho dù có phải đứng trước thực tế ngược lại hoàn toàn thì càng lạ lùng là người ta vẫn cứ tin vào ảo tưởng đó”. Từ đó, một kinh nghiệm trong quản lý vốn nhà nước của VN đó chính là để phát huy có hiệu quả số tiền khổng lồ này, cần phải có một đội ngũ chuyên gia hàng đầu chứ không phải là những nhà chính trị và các quan chức với đầu óc “công chức” cùng những “mệnh lệnh cách” của họ.

Chính sách phát triển ngoại thương

Singapore đã có một chiến lược xuất khẩu rất thông minh với một lộ trình rõ ràng, đi từ xuất khẩu nguyên liệu, khoáng sản, sang xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng lao động lớn, và cuối cùng là xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. VN hiện nay đã và đang đi trên con đường xuất khẩu nguyên liệu thô (chiếm tới gần 40% GDP) và tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng lao động lớn như dệt may và các mặt hàng nông thủy sản.

Tuy nhiên dệt may VN vẫn chủ yếu là gia công (chiếm tới hơn 70%) còn tỉ lệ xuất khẩu hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) lại thấp, chỉ chiếm 30% xuất khẩu. Vấn đề thay đổi cơ cấu trong xuất khẩu dệt may đang là mục tiêu hàng đầu của chính phủ và các DN dệt may tại VN. Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu dệt may, vấn đề trước hết mà chính phủ cần quan tâm đó là tăng cường xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ việc nhập khẩu đầu vào, tạo điều kiện để giảm chi phí cho các DN, từng bước nâng cao số lượng cũng như chất lượng hàng FOB, giảm tỉ lệ gia công.

Ngoài ra cần kể tới hướng đi mới trong xuất khẩu là gia công phần mềm. Đây là lĩnh vực sử dụng công nghệ cao của VN, tuy còn rất non trẻ nhưng dẫu sao đó cũng là bước đầu để chúng ta có hướng phát triển thích hợp trong tương lai.

Chính sách về tỷ giá hối đoái

Hành trình vươn lên trở thành con rồng Châu Á của Singapore chỉ trong vòng 30 năm, đã để lại cho nhiều quốc gia trong khu vực những bài học đắt giá, trong đó có VN.

Với một chính sách thắt chặt tiền tệ trong nước, VN còn tránh được những căng thẳng không đáng có với các quốc gia khác, gia tăng vị thế VN trên trường quốc tế. Còn đối với nhu cầu phải đẩy mạnh xuất khẩu tạo nguồn vốn tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, VN có thể sử dụng một số chính sách trợ cấp xuất khẩu, tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển. Đây cũng là chính sách mà Singapore đã áp dụng rất thành công và đạt được những tăng trưởng vượt bậc

Mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại

Từ nhiều thập kỷ gần đây, Singapore  đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường và các Cty Singapore mở rộng đến các thị trường chưa được khai phá. Vai trò xúc tiến thương mại của Singapore thuộc về Hội đồng phát triển thương mại Singapore (TDB), chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy ngoại thương quốc tế đồng thời bảo vệ lợi ích của quốc đảo này.

VN trước mắt cần tập trung tăng cường mối quan hệ thương mại với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Châu Âu và Trung Quốc. Đây là những đối tác giúp VN tiêu thụ được các mặt hàng xuất khẩu và đem đến những lợi ích căn bản như nguồn vốn ODA, FDI và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác cũng cần được quan tâm.

Có thể thấy, Singapore đã vươn mình từ một nước thuộc thế giới thứ 3 lên hàng các nước thuộc thế giới thứ nhất. Trong quá trình phát triển của mình, Singapore đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Những bài học này rất bổ ích và có thể áp dụng vào thực tiễn VN do VN và Singapore có rất nhiều điểm tương đồng.

Theo Bùi Ngọc Sơn 
Viện kinh tế chính trị thế giới/Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *