Sẽ không “cào bằng” lương hưu

FICA - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện điều chỉnh tăng lên đồng loạt một mức trên cơ sở số tiền tuyệt đối là không phù hợp vì sẽ cào bằng các đối tượng, xóa bỏ sự ghi nhận quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của người lao động và không phản ánh đúng nguyên tắc đóng, hưởng trong chính sách BHXH.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có trả lời cử tri các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Tây Ninh, Bình Thuận, Yên Bái; TP. Đà Nẵng, Cần Thơ... về đề nghị xem xét, có phương pháp điều chỉnh mức lương hưu hiện nay cho phù hợp với các đối tượng thụ hưởng và xem xét điều chỉnh mức lương hưu cho người nghỉ hưu thời kỳ trước năm 1995.

Theo ý kiến của cử tri, việc tăng lương hưu theo tỷ lệ % mỗi khi điều chỉnh tăng lương chung là chưa công bằng. Cử tri đề nghị có thể xem xét khi tăng lương cho đối tượng hưu trí nên có một mức tăng chung, bằng một số tiền cụ thể (ví dụ 300.000đ hay 500.000đ...) cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, như vậy vừa góp phần cải thiện đời sống của các đối tượng có mức lương thấp, vừa đảm bảo công bằng.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị quan tâm, tăng mức hưởng đối với nhóm đối tượng đã nghỉ hưu trước năm 1993, bởi phần lớn nhóm này có mức lương hưu thấp và có chênh lệch khá cao so với nhóm đối tượng nghỉ hưu sau khi có chính sách cải cách tiền lương...

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, một trong những nguyên tắc khi thực hiện chính sách BHXH là “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng BHXH.

Như vậy, đối với những người có cùng thời gian công tác hoặc cùng chức vụ như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH và thời gian đã tham gia BHXH theo mức tiền lương, tiền công đó.

Do chính sách tiền lương được quy định ở mỗi thời kỳ có khác nhau nên dẫn tới mức hưởng lương hưu trên thực tế có sự chênh lệch ở các đối tượng thụ hưởng tùy thuộc vào thời điểm nghỉ hưu.

Việc thực hiện điều chỉnh tăng lên đồng loạt một mức trên cơ sở số tiền tuyệt đối là không phù hợp vì sẽ cào bằng các đối tượng, xóa bỏ sự ghi nhận quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của người lao động và không phản ánh đúng nguyên tắc đóng, hưởng trong chính sách BHXH.

Về việc điều chỉnh lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ có lộ trình để điều chỉnh lương hưu một cách độc lập.

Theo Bộ, hiện nay, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật BHXH: “Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế”. Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” cũng có nội dung “Xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH đến năm 2020, trong đó có lộ trình để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương của người tại chức”.

Về kiến nghị của những người nghỉ hưu trước năm 1995 (trong số đó nhiều người có nhiều công lao, thành tích đóng góp cho cách mạng) hiện nay mức lương hưu thấp, không đảm bảo cuộc sống. Ngày 5/11/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4309/LĐTBXH-BHXH gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng lương hưu của người nghỉ hưu qua các thời kỳ để có cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH.

Phương Dung

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *