Phạt tới 2 tỷ đồng đối với vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản

FICA - Ngoài biện pháp xử phạt hành chính, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép từ 3 đến 12 tháng, đình chỉ hoạt động từ 1 tới 24 tháng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm.

Khai thác vàng vượt quá 100% sản lượng cho phép có thể bị phạt tối đa 2 tỷ đồng.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định 142 đã chi tiết hóa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Mức phạt cũng nặng hơn so với các quy định trước đó, với phạt vi phạm hành chính tối đa lên tới 2 tỷ đồng hoặc tước giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản tới tối đa 16 tháng.

Cụ thể, tổ chức cá nhân có hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước có thể bị cảnh cáo, phạt tiền với tối đa là 250 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng với tổ chức. Mức phạt tối đa với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.

Ngoàira, có thể áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, tước giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tới 16 tháng.

Cụ thể, mức phạt tối đa 1,6 - 2 tỷ đồng được áp dụng đối tổ chức khai thác vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại không có giấy phép hoặc vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản.

Đối với vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, mức xử phạt tối đa 220 - 250 triệu đồng đối với cá nhân trong trường hợp thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải; xả nước thải vào nguồn nước có hàm lượng chất ô nhiễm vượt quá giới hạn quy định trong giấy phép và cá nhân có hành vi xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào lòng đất.

Mức phạt tiền 220 - 250 triệu đồng này cũng được áp dụng đối với các cá nhân có hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000 m3/ngày đêm trở lên; không thực hiện vận hành hồ chứa để cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa...

Ngoài biện pháp xử phạt hành chính như trên, đồng thời có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép từ 3 đến 12 tháng, đình chỉ hoạt động từ 1 tới 24 tháng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 và thay thế các Nghị định số 34/2005/NĐ-CP; Nghị định số 150/2004/NĐ-CP; Nghị định số 77/2007/NĐ-CP.

Lam Thanh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *