Nợ quốc gia “đội thêm” 1%, nhiều khoản nợ tăng… gấp đôi

FICA - Báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán nhà nước thể hiện, các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài quốc gia, tổng dư nợ đến 31/12/2012 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 55,7% GDP (năm 2011 là 54,9% GDP).

Trong đó, nợ Chính phủ là gần 1,3 triệu tỷ (chiếm 77,91% nợ công); nợ được Chính phủ bảo lãnh 340.000 tỷ đồng (chiếm 20,82%); nợ của chính quyền địa phương 20.886 tỷ đồng (chiếm 1,27%).

Dư nợ nước ngoài của quốc gia cũng tính đến thời điểm chốt năm 2012 là 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 58,2 tỷ USD), bằng 41,1% GDP (năm 2011 là 44,5% GDP).
Biểu đồ về nợ công và nợ phải trả của Việt Nam.
Biểu đồ về nợ công và nợ phải trả của Việt Nam.

Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, số dư nợ công năm 2012 tăng 250.000 tỷ đồng, tương đương 18% so với năm 2011. Trong đó, có một số khoản tăng trên 50% như nợ của chính quyền địa phương tăng 91,9% (gần gấp đôi, từ 10.884 tỷ đồng năm 2011 lên 20.886 tỷ đồng năm 2012); các khoản huy động bằng trái phiếu chính phủ tăng 55,24%; bảo lãnh phát hành trái phiếu ngân hàng chính sách xã hội tăng 50,45%.

Tỷ trọng các khoản nợ công được khái quát là có sự thay đổi về cơ cấu khi nợ vay trong nước tăng, nợ vay nước ngoài giảm.

Đi sâu vào các khoản vay nước ngoài về cho vay lại, Kiểm toán nhà nước dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại đến 31/12/2012 tương đương 14,27 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2011. Dư nợ cho vay lại đối với các khách hàng/dự án vay lại là 11,8 tỷ USD.

Công tác quản lý các khoản vay nước ngoài về cho vay lại của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính bị “phê” nhiều vấn đề khi chưa có báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro (tín dụng, tỷ giá...) đối với các khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Tình trạng các chủ dự án nhận nợ chậm, thu hồi gốc, lãi về Quỹ tích lũy không kịp thời còn khá phổ biến.

Về vấn đề bảo lãnh Chính phủ vay vốn nước ngoài, hết năm 2012, số nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 7,2 tỷ USD, tăng 28,57%. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ đầu tư dự án chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư, chưa báo cáo về tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án.

Có 16/53 dự án đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng nhưng chưa đăng ký tài sản đảm bảo theo quy định. Kiểm toán nhà nước dẫn chứng nhiều trường hợp như dự án Nhiệt điện Cẩm Phả (vay bảo lãnh Chính phủ 225,25 triệu USD); Dự án Nhiệt điện Cà Mau 2 (216,25 triệu USD); Dự án Nhiệt điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 (164,62 triệu USD); Dự án Nhiệt điện Sơn Động (247,2 triệu USD)…

Một số dự án đã được cấp bảo lãnh nộp phí chậm hoặc không nộp phí bảo lãnh. Việc ứng trả nợ thay cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2012, Bộ Tài chính đã trả nợ thay cho 5 dự án với tổng số tiền là 1.206 tỷ đồng, tăng 603 tỷ đồng (tương ứng tăng 100,1%) so với năm 2011. Các dự án được Kiểm toán nhà nước điểm danh như Nhà máy Giấy Phương Nam 231,42 tỷ đồng (8,55 triệu EUR); Xi măng Đồng Bành 142,46 tỷ đồng (6,84 triệu USD); Xi măng Hạ Long 421,97 tỷ đồng (15,59 triệu EUR)…

Về dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, theo số liệu của Bộ Tài chính, đến 31/12/2012, dư nợ Chính phủ bằng 38,9% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,4% GDP ; dư nợ công bằng 55,7% GDP (tăng gần 1% so với 2011) .

Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước không xác nhận số liệu nợ công này do đặc điểm tổ chức quản lý và công tác kế toán, lập báo cáo thông tin về nợ công phân tán, không đủ cơ sở xác nhận. Dù vậy, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn kết luận, kết quả kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ; còn báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay, dẫn đến số liệu nợ công năm 2012 giảm 1.632 tỷ đồng so với số báo cáo của Bộ Tài chính.

P.Thảo

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *