Nhập siêu từ Trung Quốc gấp hơn 5 lần tổng nhập siêu!

FICA – Trong 4 tháng đầu năm trong khi cả nước ghi nhận nhập siêu 2,1 tỷ USD thì nhập siêu từ riêng thị trường Trung Quốc đã xấp xỉ 10,5 tỷ USD. Đây tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 4/2015 đạt 26,55 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Trong đó xuất khẩu là 13,35 tỷ USD nhỉnh hơn 0,02% so với tháng trước và nhập khẩu là 13,2 tỷ USD, giảm 10,4% (tương ứng giảm 1,54 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hoá trong tháng thặng dư 148 triệu USD.

Sau 1/3 chặng đường của năm, xuất nhập khẩu đã đạt được kim ngạch gần 101,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng/2015 đạt gần 49,7 tỷ USD, tăng 6,9% và nhập khẩu gần 51,8 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,1 tỷ USD, bằng 4,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,1 tỷ USD).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong 4 tháng/2015 đạt 64,91 tỷ USD, tăng 19,4% (tương ứng tăng 10,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó kim ngạch xuất khẩu là 33,63 tỷ USD, tăng 16,3% và kim ngạch nhập khẩu là 31,28 tỷ USD, tăng 23,1%.

Khu vực doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước (doanh nghiệp trong nước) đạt kim ngạch gần 36,6 tỷ USD, bằng với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt gần 16,07 tỷ USD, giảm 8,6% và nhập khẩu là 20,49 tỷ USD, tăng 8%.

Cán cân thương mại vẫn theo xu hướng thặng dư ở khối các doanh nghiệp FDI và thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể: trong 4 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI có mức thặng dư là 2,35 tỷ USD, giảm 33,1%; trong khi đó, cán cân thương mại của khối các doanh nghiệp trong nước thâm hụt tới 4,43 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc 4,82 tỷ USD giảm 3,6% thì Việt Nam lại nhập khẩu tại thị trường tới 15,3 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc gần 10,5 tỷ USD và đây tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam.

Trong kỳ, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 756 triệu USD sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 26,7%; 185 triệu USD máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, tăng 27% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhóm hàng xơ sợi dệt các loại xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 149 nghìn tấn, tăng 33,7%; gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Trung Quốc đạt 289 triệu USD.

Tại mặt hàng gạo, Trung Quốc là một trong 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam với 343 nghìn tấn, giảm 28,1% so cùng kỳ năm trước.

Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu mạnh máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc. Dây là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2015 với trị giá 2,9 tỷ USD, tăng cao 30,2%.

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập 1,55 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc, tăng 19,7% so cùng kỳ. Nhập 2,4 tỷ USD điện thoại các loại và link kiện từ Trung Quốc, tăng 27,3% so cùng kỳ. Sắt thép nhập về từ thị trường này đạt 2,3 triệu tấn, tăng mạnh 80,3%. Nhập khẩu xăng dầu đạt 572 nghìn tấn, tăn 8,9%; sản phẩm chất dẻo gần 322 triệu USD, tăng 30,9%.

Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với 2,2 tỷ USD, tăng 10,1% so cùng kỳ. Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc  cũng tăng đáng kể với 8,86 nghìn chiếc (trong tổng số 35 nghìn chiếc), tăng mạnh 289% so với cùng kỳ.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *