Nhà báo Mỹ tại Hoàng Sa: “Việt Nam đang có vũ khí quan trọng nhất”

FICA - “Việt Nam đang có trong tay vũ khí quan trọng nhất, đó là chính nghĩa. Mỗi khi có nạn xâm lăng, tình yêu dân tộc của người dân Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ...”

Nhà báo Mỹ tại Hoàng Sa: “Việt Nam đang có vũ khí quan trọng nhất”
Hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng tấn công, phun vòi rồng, đâm va các tàu chấp pháp của Việt Nam đều được các hãng tin lớn trên thế giới phơi bày.

Trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa - vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc đang ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ông thấy điều gì đang xảy ra trên biển Đông?

Chúng tôi là những nhà báo nước ngoài, cùng đi với tôi có các nhà báo ở Đài CNN (Mỹ), Đài truyền hình NHK (Nhật Bản)... Trước khi ra giàn khoan, chúng tôi đã nghe được những thông tin, xem được những hình ảnh rất rõ về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi cần phải có mặt để kiểm chứng lại những gì đang xảy ra. Trong suốt chuyến đi từ 26 - 31/5 tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam, đoàn nhà báo chúng tôi và cá nhân tôi đã tai nghe, mắt thấy hình ảnh những con tàu Hải giám, Hải cảnh... của Trung Quốc rượt đuổi một cách rất hung hăng những con tàu Cảnh sát biển của Việt Nam.

Đó là những hình ảnh không thể sống động hơn, khi nó xảy ra cách chúng tôi chỉ 30-50m. Nó cho chúng tôi thấy đây là sự thật hiển nhiên đang diễn ra tại Biển Đông. Khi trở về đất liền vào ngày 31/5, chúng tôi lại tiếp tục có một cuộc phỏng vấn trao đổi với chủ tàu cá ở Đà Nẵng, tàu đã bị Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26/5 vừa qua. Đó là những bằng chứng không thể chối cãi mà chúng tôi ghi nhận được.

Tận mắt chứng kiến giàn khoan trái phép của Trung Quốc, cảnh Trung Quốc sử dụng tàu cố tình đâm va, phun vòi rồng vào các tàu làm nhiệm vụ chấp pháp của Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những hành động này của Trung Quốc?

Tôi nghĩ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong lãnh hải Việt Nam là một hành động mà cho tới giờ phút này đã được các nước trên thế giới phản ánh trong các diễn đàn quốc tế, điển hình như vừa rồi là Shangri La, ghi nhận sự hung hăng và xâm lấn của Trung Quốc. Dưới con mắt nhà báo, tôi thấy rằng đây là một việc làm phi lí; báo chí cũng như quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên dường như bên phía Trung Quốc vẫn chưa có động thái gì gọi là lắng nghe mà ngược lại họ đã biện hộ, họ đã nói những luận điệu ngược lại Công ước quốc tế. Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang gây hấn ở biển Đông.

Phóng viên
Phóng viên Dân trí (trái) cùng Nhà báo, Tổng thư ký báo Vietweekly - Etcetera Nguyễn (Mỹ) trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa Việt Nam.

Nhưng cộng đồng quốc tế và nhất là những người đại diện cho các quốc gia đã tham gia các diễn đàn đều thấy rằng Việt Nam đang có trong tay vũ khí quan trọng nhất: Đó là chính nghĩa của Việt Nam trong vụ việc này.

Việt Nam đã tỏ rõ sự chân thành để giải quyết các vấn trên biển Đông với Trung Quốc bằng con đường đấu tranh ngoại giao, hòa bình... trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng Trung Quốc vẫn hung hăng tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam. Dưới cái nhìn của nhà báo từ thực tế, theo ông Việt Nam có nên kiện Trung Quốc?

Khi ra giàn khoan chúng tôi thấy được thái độ bên phía Trung Quốc như tôi đã nói ban đầu và ngược lại chúng tôi cũng thấy được sự bình tĩnh và rất ôn hòa của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam.

Việc xem thường dư luận, cố tình gây hấn của Trung Quốc đã khiến cho cộng đồng quốc tế, trong đó có Philippines, Nhật Bản, gần đây có cả khối bên Châu Âu và đặc biệt là phía Mỹ, có khuyến cáo Trung Quốc nên có sự kìm chế. Philippines cũng đang tiến hành một vụ kiện phía Trung Quốc.

Một số người cho rằng Việt Nam cũng nên theo cách thức của Philippines để kiện Trung Quốc. Chúng tôi cũng được biết rằng chủ tàu cá bị đâm chìm ở Đà Nẵng cũng đang thu thập hồ sơ để kiện Trung Quốc. Kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay tạo dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc, tôi cho rằng đó đều là những biện pháp cần thiết trong lúc này.

Tôi cũng thấy rằng Việt Nam đang rất sẵn sàng có nhiều biện pháp đối chọi với Trung Quốc.

Theo ông, trong căng thẳng tại biển Đông, Trung Quốc sợ nhất điều gì?

Có lẽ Trung Quốc sợ nhất sự gần gũi của các nước đang bị Trung Quốc gây hấn, sợ họ liên kết lại với nhau. Đặc biệt là trong đó có sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản hiện nay có sự tương quan, tương đồng về hoàn cảnh nhưng không có sự mâu thuẫn về mặt kinh tế. Do đó Nhật Bản và Việt Nam có một sự tương đồng rất tốt. Philippines, Malaysia, Indonesia... cũng đều nằm trong bối cảnh bị Trung Quốc gây hấn. Và các nước này có thể xích lại gần nhau.
 
Hiện Mỹ đã tuyên bố ủng hộ các nước này mạnh mẽ hơn. Chính vì điều này mà gần đây tôi thấy Trung Quốc lên án Nhật và Mỹ. Khi họ phản ứng như vậy có nghĩa là họ đã để ý đến dư luận và sự ủng hộ của Mỹ - Nhật đối với các nước Đông Nam Á. Tôi nghĩ khi dư luận quốc tế như vậy, chúng ta cần lắng nghe và theo dõi xem Trung Quốc sẽ có động thái gì tiếp theo.
 

Phóng viên

Nhà báo Etcetera Nguyễn đi đôi dép mà các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam tặng trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa. Trong ảnh, ông đang ngồi ký họa bên hồ Gươm - Hà Nội ngày 5/6. (Ảnh: Tuấn Hợp).

Chứng kiến những điều đang diễn ra trên biển Đông, là nhà báo, ông đã chuyển tải sự thật đó đến công chúng như thế nào?

Chúng tôi cũng có một số bài bình luận và toàn bộ hành trình chuyến đi của chúng tôi trong 5 ngày, chúng tôi đã sản xuất được chừng 55 video clip, phóng sự để tường thuật chân thực toàn bộ những gì đang xảy ra trên biển Đông. Ở Mỹ, chúng tôi cũng tổ chức được một số hội luận dành cho các nhân sĩ, người Việt ở hải ngoại để họ tham gia ý kiến đóng góp ý kiến về sự việc này. Đó là quyền lợi dân tộc của họ.

Ông đánh giá thế nào về biểu thị tình yêu dân tộc của con người Việt Nam?

Theo truyền thống, bất cứ khi nào đất nước có những biến động về mặt lịch sử thì tinh thần yêu nước luôn được thể hiện một cách rất nồng nhiệt, dù mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Có những người sốt ruột, có những người nóng nảy, có những người bình tĩnh... nhưng khi có nạn xâm lược, xâm lăng thì người Việt Nam thể hiện rất rõ ràng, tình yêu dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Ở Hà Nội, tôi thăm dò lắng nghe và thấy được tinh thần yêu nước của tất cả mọi tầng lớp người dân. Ở hải ngoại chúng tôi quan sát cũng thấy mọi người bỏ bớt những khác biệt cá nhân để có được mẫu số chung là tinh thần dân tộc. Những người Việt Nam ở nước ngoài mà tôi đã có dịp tiếp xúc phỏng vấn, họ đều đồng lòng một tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình.


 

Xin cảm ơn ông!

Tuấn Hợp (thực hiện)

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *