Ngành hải quan lo không không thu đủ ngân sách do các hiệp định thương mại

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới, việc thực hiện 10 Hiệp định tạo thuận lợi thương mại đa phương và song phương. Tuy nhiên, điều đó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành hải quan.

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan, các Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (VKFTA), ASEAN-Trung Quốc (ACFTA)...đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành hải quan do nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao theo lộ trình phải cắt giảm sâu thuế xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, tính đến 31/12/2017, số thu NSNN vẫn đạt 297.082 tỷ đồng, bằng 104,24% dự toán, bằng 102,44% chỉ tiêu phấn đấu do Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng), tăng 9,47% so với cùng kỳ 2016.

thu-ngan-sach
 

Chia sẻ những khó khăn của ngành Hải Quan khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, ông Lưu Mạnh Tường cho biết: ”Từ 1/1/2018 một số mặt hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cắt giảm thuế thương mại. Đặc biệt là nhóm hàng ô tô đã giảm kéo theo một loạt mặt hàng khác.”

”Các Hiệp định khác cũng đang trong giai đoạn cắt giảm mạnh, dẫn đến giảm thu thuế. Ngoài ra, đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chưa cao như kì vọng, nó cũng góp phần làm tăng khó khăn trong hoạt động thu thuế của ngành Hải quan”, ông Tường nói.

Cũng theo ông Tường: ”Năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn bởi từ 1/1, hiệp định ATIGA có tới trên 90% dòng hàng hóa có thuế về 0%.”

”Bên cạnh đó, các Hiệp định ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là các hiệp định mà có nhiều nhóm hàng như sắt, thép; điện tử;…bước vào giai đoạn cắt giảm mạnh và làm giảm số thu thuế”, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu cho biết thêm.

Để khắc phục những khó khăn trên, ngành hải Quan cũng đã có một số giải pháp khắc phục. Cụ thể, ông Tường cho biết: ”Để triển khai việc này, ngành hải quan tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Việc đầu tiên là tiếp tục sửa đổi thủ tục, văn bản quy phạm pháp luật.”

”Đặc biệt là Nghị định 08, hướng dẫn luật hải quan sửa đổi sẽ được Chính phủ ký. Thông tin 38 hướng dẫn về thủ tục kiểm tra giám sát hàng hoá, thủ tục thu thuế cũng sẽ được sửa đổi. Đây sẽ là những văn bản lớn tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Tường nhấn mạnh.

Từ những sửa đổi này, ông Tường cho biết: ”Ngành hải quan sẽ triển khai ứng dụng mạnh đề án các công tác trọng tâm của năm 2017 như: đề án giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không; đề án tạo thuận lợi quốc gia và giảm kiểm tra chuyên ngành;…”

”Về công tác thu, tiếp tục đẩy mạnh mở rộng diện và đối tượng ngân hàng để thực hiện đề án thu thuế và thông quan 24/7”, ông Tường cho biết thêm.

Đề cập tới nhóm giải pháp thứ 2 về quản lý, Cục Trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu cho biết: ”Năm 2018 ngành hải quan sẽ tăng cường kiểm tra hàng hoá, nhất là liên quan tới xuất xứ. Để đảm bảo, đối tượng được hưởng ưu đãi thì sẽ được hưởng. Còn các đối tượng lợi dụng các hiệp định thuế quan để thay đổi xuất xứ sẽ không thể trà trộn, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.”

”Với các giải pháp và đề án đồng loạt triển khai có hiệu quả sẽ làm cho môi trường đầu tư được cải thiện và làm kim ngạch hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên. Qua đó, sẽ bù đắp phần hụt ngân sách khi ký kết các Hiệp định thương mại tự do”, ông Tường khẳng định.

Thế Hưng

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *