Nâng trần bội chi: Nguy cơ tăng nợ công, lạm phát

Tăng bội chi, nếu không tạo ra hàng hóa, không tạo ra phát triển sẽ dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát thật trên cơ sở tăng tiền mà không tăng hàng thậm chí còn làm giảm bớt.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó, trần bội chi ngân sách nhà nước cho 2 năm được nâng lên 5,3% GDP (năm 2013 không quá 195.500 tỷ đồng).

Trong tình trạng nền kinh tế còn khó khăn, việc thu thuế của Chính phủ không được như kế hoạch, chi phí công ngày càng tăng, chi phí về an sinh xã hội lại không thể giảm trong lúc này. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Bội chi trong lúc này là cần thiết. Thả lỏng bội chi một chút, Chính phủ cân đối chi tiêu công dễ dàng hơn”.

Chính sách vĩ mô tiếp tục theo hướng ổn định, song vẫn có những e ngại về tác động của bội chi lên lạm phát. Năm nay lạm phát dự kiến chỉ khoảng 7-7,5%, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho là “không đáng lo ngại lắm”. Chính phủ có thể sẽ phát hành trái phiếu, sau đó rút tiền về để giảm bớt hoặc in tiền ra để bội chi và rút tiền về bằng trái phiếu. “Bội chi không gây ra lạm phát tiền tệ lớn nếu Chính phủ có một chính sách phát hành trái phiếu tốt” -TS. Phong nói.

Việc nới lỏng bội chi chưa tác động ngay lên lạm phát từ nay đến cuối năm, phải từ 3- 6 tháng nữa mới có hệ quả. Nhưng vấn đề là ở chỗ chi cái gì?. TS. Phong khẳng định: “Đây sẽ là một nguy cơ, nếu chi mà không tạo ra hàng hóa, không tạo ra phát triển, không tạo ra những hệ lụy tích cực thì nó sẽ gắn liền với lạm phát thật trên cơ sở tăng tiền mà không tăng hàng, thậm chí còn làm giảm bớt”.

TS Nguyễn Minh Phong:

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế chỉ còn cách trông cậy vào đầu tư công, nhưng nhà nước phải kiểm soát chặt hiệu quả các dự án công, đồng thời gia tăng đầu tư công để bù lại sự gia tăng đầu tư và kích thích đầu tư tư nhân.

Theo dự toán của Chính phủ, cuối năm nay, nợ công của Việt Nam tăng lên khoảng 54% GDP, vẫn trong tầm kiểm soát của giới hạn 65% cho đến năm 2020. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu – nhấn mạnh, “tăng bội chi sẽ làm tăng nợ công, nhất là cho đến nay, chúng ta vẫn không đưa ra được kế hoạch để khống chế nợ công”. Khẳng định, nợ công là vấn đề rất quan trọng, TS. Hiếu đề xuất: “Chính phủ phải có biện pháp kiểm soát ngay vấn đề đầu tư công và có lộ trình giảm nợ công trong tương lai”.

 

Cùng góc nhìn tăng bội chi sẽ làm tăng đầu tư công, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Đây là e ngại không phải là không có lý”. Trong khi Luật Đầu tư công vẫn đang lấy ý kiến, xã hội lo lắng nhiều hơn đến các dự án đầu tư công được tài trợ bởi các nguồn ngân sách này sẽ được sử dụng như thế nào trong khi các định hướng mới, cơ chế mới chưa có nhiều, chủ yếu là rà soát, nhắc nhở…

 

Kinh nghiệm của các nước châu Âu, đầu tiên là thắt chặt để chống nợ công, sau đó chuyển sang nới lỏng để kích thích tăng trưởng. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc và cả Nhật Bản cũng theo xu hướng này. TS. Phong cho rằng, Việt Nam nên đi theo xu hướng đó và phải nhận thức lại về đầu tư công, đặc biệt là trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư tư nhân bị trì trệ, ngân hàng khó ra vốn.

 

Theo Hải Vân
Báo Công thương

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *