Muốn được việc, dân vẫn phải "lót tay" ở cơ quan công quyền

FICA - Qua tổng hợp ý kiến cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhiều người vẫn phải hối lộ thông qua việc lót tay, chạy chọt.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó cử tri tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và về vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri phản ánh tham nhũng “vặt” vẫn diễn ra phổ biến
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri phản ánh tham nhũng “vặt” vẫn diễn ra phổ biến

Đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, cử tri cho rằng, những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục. Điều đó thể hiện qua việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.

Do vậy, cử tri kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí. Đồng thời phải đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, cử tri tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó cử tri mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.

Ngoài ra, cử tri còn đánh giá cao ý thức trách nhiệm và những cố gắng của Bộ Giao thông vận tải thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Bước đầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tổ chức thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo cấp trưởng thuộc Bộ quản lý.

Tuy nhiên, cử tri cũng phản ánh hạ tầng giao thông đường bộ ở nhiều nơi xuống cấp do xe quá tải, quá khổ lưu thông nhiều và thiếu vốn để cải tạo, sửa chữa, duy tu. Trong khi đó việc kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng nhiều xe tải trọng lớn cố tình trốn tránh trạm cân gây hư hỏng đường.

Vẫn còn những vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, nhất là xe khách đường dài, với số người thương vong lớn mà nguyên nhân chủ yếu là vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải và người điều khiển phương tiện.

Cử tri và nhân dân đề nghị làm các giải pháp quyết liệt, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là phải xử lý nghiêm cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có tiêu cực, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị xây dựng, thi công không bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình giao thông.
 

Cử tri TPHCM đề nghị Quốc hội mạnh tay với tham nhũng

 
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã tổ chức 31 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó 9 cuộc ở phường, xã; 1 cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú; có khoảng 6.000 cử tri tham dự với 320 lượt ý kiến phát biểu.
 

Trong bản tổng hợp ý kiến gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, cử tri TPHCM hoan nghênh Quốc hội sẽ xem xét thông qua và cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...

Cử tri đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Luật phải quy định chặt chẽ, khoa học phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống.

 

Cử tri đề nghị Quốc hội cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp và giữa các kỳ họp Quốc hội; có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với các Bộ, ngành chậm giải quyết các lời hứa trả lời chất vấn hoặc giải quyết không thỏa đáng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM
 

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn, cử tri đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ lấy ở 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

 

Góp ý về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri đề nghị việc tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa tới, khi giới thiệu đại biểu ứng cử phải kèm theo kê khai tài sản minh bạch để cử tri cân nhắc bầu chọn đại biểu.

Cử tri đề nghị Chính phủ cần có báo cáo trước Quốc hội về công tác thực thi chiến lược kinh tế biển; về tình hình Biển Đông và công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia tại kỳ họp lần này.

 

Về lĩnh vực kinh tế, cử tri TPHCM lo lắng về tình hình nợ công và bội chi ngân sách nhà nước, nợ xấu cao như hiện nay. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này; cần kiểm tra, giám sát các trường hợp sử dụng nợ công lãng phí, không hiệu quả, xác định trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm.

 

Cử tri cho rằng hiện nay việc xử lý các vụ việc tham nhũng còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Đề nghị cần xử lý mạnh tay và nghiêm khắc hơn nữa đối với tội phạm tham nhũng nhằm mang tính răn đe và công khai kết quả xử lý; quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các biện pháp để bảo vệ người tố cáo đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; công khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định về kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức; kiểm tra làm rõ các phản ảnh của báo chí liên quan đến tham nhũng lãng phí và công khai kết quả kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để củng cố lòng tin đối với nhân dân.

 

Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát, quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan phải giải quyết các kiến nghị sau giám sát và chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết của mình; tăng cường công tác giám sát tối cao các vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội; về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề về nợ công,… trong đó làm rõ trách nhiệm tập thể cá nhân người đứng đầu cơ quan tổ chức khi để xảy ra sai phạm.

 

Cử tri phản ảnh nhiều về tình trạng lãng phí hiện nay, nhất là lãng phí trong đầu tư xây dựng, công tác quy hoạch sử dụng đất, chi tiêu nguồn ngân sách,…

Công Quang

 

Quang Phong

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *