Mua lại vốn đầu tư ngoài ngành: Miếng ngon khó nhằn với SCIC

Một trong những nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu thông qua việc mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành.

Nghị quyết 15/NQ-CP (ngày 6/3/2014) giao SCIC mua lại các khoản đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện nghị quyết này, hơn 1 năm trước, SCIC đã gửi văn bản tới 12 tập đoàn, tổng công ty gồm, Viettel, EVN, VNPT, Vinatex, Vinafood 1, VRG… để nắm thông tin về việc các doanh nghiệp này đầu tư vào những ngân hàng, công ty bảo hiểm nào, trị giá đầu tư bao nhiêu, tỷ lệ sở hữu thế nào. SCIC cũng đã nhận được văn bản trả lời khá đầy đủ, chi tiết của các tập đoàn, tổng công ty. Thậm chí, SCIC cũng đã làm việc với một số đơn vị đề thảo luận về vấn đề mua lại vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm nhưng chưa thương vụ nào thành công.

Theo Nghị quyết 15/NQ-CP, việc thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước hết ưu tiên cho ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển cho Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Cả 2 giải pháp này không thành công mới đến lượt SCIC “vào cuộc”. Giá mua phần vốn này được xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu thông qua thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tháng 9/2014, Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC, những quy định liên quan việc SCIC mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục vướng mắc.

Theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC chỉ được mua lại sau khi không có ngân hàng thương mại nhà nước nào mua lại, Ngân hàng Nhà nước cũng không tiếp nhận phần vốn này, doanh nghiệp đã sử dụng mọi cách mà vẫn không bán được hoặc không bán hết. Tuy nhiên, giá của SCIC mua không được cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công, đồng thời phải bảo đảm không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính. Đối với vốn mà doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khác ngoài bảo hiểm, ngân hàng, SCIC cũng chỉ được phép mua khi doanh nghiệp không thể bán được hoặc bán không hết phần vốn đã đầu tư và giá mua cũng được quy định như đối với mua phần vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.

“Như vậy, SCIC chỉ được tham gia mua phần vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước khi họ đấu giá không được, bán thỏa thuận không xong, cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đều từ chối. Nhưng SCIC khi tham gia mua lại phần vốn của bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc kinh doanh vốn nhà nước, tức là chỉ đầu tư khi bảo toàn được vốn và có lãi”, ông Học chỉ ra vướng mắc trong quy định hiện hành.

“Đã mua - bán thì phải theo giá thị trường, thuận mua vừa bán, nhưng SCIC chỉ được mua khi không có ai mua và phải mua với giá gần như chỉ định trong khi lại phải bảo đảm kinh doanh có lãi. Đây là vướng mắc cần phải được tháo gỡ”, ông Học phát biểu và đề xuất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thoái vốn, một mặt phải tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, mặt khác cần quy định, trong trường hợp SCIC và doanh nghiệp “không tìm được tiếng nói chung” trong việc mua - bán vốn, thì có thể giao lại phần vốn này cho SCIC quản lý với tư cách là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *