Một năm của các bộ trưởng: Khi ông Dũng chịu khó đọc “comment”

Năm thứ 3 trên cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Trịnh Đình Dũng tạo được ấn tượng của một chính khách biết lo cho người dân bằng những chính sách do chính mình tham gia soạn thảo, và bằng cả những việc làm cụ thể đời thường.

Một năm của các bộ trưởng: Khi ông Dũng chịu khó đọc “comment”

Ông Dũng chính thức ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng từ tháng 8/2011, đúng vào thời điểm thị trường bất động sản suy trầm, trong khi nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tại các đô thị lớn vẫn nan giải - Ảnh: LĐ.

 

“Comment” mới thật

Ông Dũng chính thức ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng từ tháng 8/2011, đúng vào thời điểm thị trường bất động sản suy trầm, trong khi nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tại các đô thị lớn vẫn nan giải.

Ngay sau khi nhậm chức, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng nói trước báo giới: “Tôi có ba nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng để làm sao tránh lãng phí tài nguyên, tiền của. Thứ hai là tập trung nhiều hơn đến lĩnh vực phát triển đô thị. Thứ ba là chú trọng vào lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội để làm sao mọi người dân đều có nhà ở, đặc biệt là những người ít có điều kiện tiếp cận với nhà ở giá cao”.

Trong thời gian ngắn sau đó, một chiến lược nhà ở quốc gia do chính ông Dũng chắp bút đã được trình lên Thủ tướng ký duyệt. 

Tiếp đó, hàng loạt nghị định, quyết định, thông tư… liên quan đến vấn đề nhà ở, phát triển đô thị nối tiếp nhau ra đời. Một điểm chung của những văn bản này là phương cách giải quyết nhu cầu về nhà ở cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp.

Trong một lần trao đổi với người viết hồi đầu năm 2014, Bộ trưởng Dũng nói: “Mình làm ra chính sách thì cũng phải đi thực tế đến tận nơi, hoặc tối thiểu cũng phải chịu khó đọc báo, xem ti vi, mới biết được đời sống của người dân cụ thể như thế nào, chính sách mình làm ra họ có được hưởng lợi không”.

Cho dù, cũng có lần ông nghe đâu đó người ta nói rằng, ông chịu khó đi thực tế, chạy chỗ này, chỗ kia cốt là để... “làm hình ảnh”. 

Có một điều thú vị, ngoài việc chịu khó đọc báo với hầu hết các ấn phẩm, từ báo “lớn” báo “nhỏ”, báo Trung ương đến báo địa phương, ông Dũng còn có thói quen là đọc kỹ các “comment” (ý kiến phản hồi) của độc giả trên các tờ báo điện tử.

Bởi theo ông, thông tin do phóng viên phản ánh đã là quý, nhưng những gì mà độc giả nêu ra trong các ý kiến phản hồi, đôi khi còn “thật” hơn cả bài báo. Đó mới là tiếng nói của người dân.

Cũng chính nhờ thói quen đọc comment của ông, nên mới đây, một người dân - độc giả ở quận Thủ Đức (Tp.HCM) đã giải toả được bức xúc trước cách làm việc quan liêu, hạch sách của một số cán bộ địa phương.

Sự việc bắt nguồn từ phản hồi của độc giả này trên một tờ báo điện tử khi thẳng thắn “trách” Bộ trưởng Dũng sau một bài báo nói về tình trạng xây nhà cho công nhân thuê. 

Trước đó, thay vì bán đứt mảnh đất hơn 400 m2 để thu về một món tiền lớn, thì gia đình độc giả này đã quyết định giữ lại để xây nhà cho công nhân thuê, vì chứng kiến cảnh nhiều công nhân quanh vùng gặp khó trong việc tìm chỗ ở.

Thế nhưng, khi đi xin cấp giấy phép xây dựng, họ đã bị quận và thành phố đùn đẩy, hạch sách đủ đường.

Sau khi đọc được comment trên, Bộ trưởng Dũng đã đích thân gọi điện cho vị độc giả nọ, cũng như lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM. Mọi việc sau đó được giải quyết như thế nào, chắc cũng không cần phải kể lại.

Nhà phải đến tay dân

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Rất khâm phục những bộ trưởng ra trận nhiều, trong đó có ông Trịnh Đình Dũng”.

Nhìn lại thì 2014 tiếp tục là một năm bận rộn đối với ông Trịnh Đình Dũng.

Trong đó, tâm điểm là việc dồn sức soạn thảo, chỉnh sửa hai dự luật quan trọng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để kịp trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối 2014, trong đó có những nội dung mà theo ông là “rất gai góc, nêu những quan điểm hết sức mới”.

Cũng có lần, ông Dũng thổ lộ rằng cảm thấy thất vọng, khi chỉ vì một vài doanh nghiệp làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận trong phát triển nhà ở xã hội, đã khiến dư luận hiểu sai về loại hình nhà ở này.

Bởi theo ông, “nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước, chứ không phải là nhà xập xệ”. Với tất cả doanh nghiệp ngành xây dựng, ông yêu cầu phải làm nghiêm túc. Nhà cho công nhân thuê cũng phải theo chuẩn, không được làm nhà cấp 4, mái tôn đơn giản, mức giá thuê phải theo quy định, không được vượt giá trần…

Suốt 3 năm qua, thị trường bất động sản trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp đối diện nguy cơ phá sản. Mày mò tìm hiểu, một trong những nguyên nhân được ông Dũng kết luận, “do lệch pha cung cầu, doanh nghiệp làm nhiều nhà to quá, trong khi dân chỉ có thể mua được nhà nhỏ”.

Ông quyết định cho các doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ, điều chỉnh diện tích, cho dù gặp không ít ý kiến phản đối cho rằng như vậy là tiếp tay tạo nên các khu ổ chuột hay quá tải hạ tầng…

Bộ trưởng Dũng chỉ lý giải đơn giản, “cứu doanh nghiệp là cứu dân, cứu nền kinh tế”.

Trò chuyện với VnEconomy hồi đầu năm nay, ông nói: “Việt Nam vẫn còn nhiều đối tượng khó khăn về nhà ở lắm. Mình muốn làm thế nào tạo ra được những cơ chế, chính sách để người dân mua được nhà với giá rẻ, mà không phải cậy nhờ bất cứ ai”.

Với ông, “bất động sản làm ra phải đến được với người dân”.

 

Theo Từ Nguyên

VnEconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *