Lạm phát thấp, tốt hay không?

Số liệu chính thức đã được Tổng cục Thống kê công bố gần đây, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2015 tăng 0,14%, tăng 0,99% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,04% so với tháng 12 năm trước.

4 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản đang ở mức 2,2%
4 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản đang ở mức 2,2%

Như vậy, lạm phát theo cách tính của Việt Nam cho tới thời điểm này mới đang ở mức 0,04%, còn cách xa mục tiêu điều hành lạm phát 5% trong năm nay và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kể từ năm 2006, “vô địch” về lạm phát sau 4 tháng là năm 2008, với mức tăng CPI so với tháng 12 năm 2007 là 11,16%. Năm ngoái, lạm phát sau 4 tháng là 0,88%, vẫn cao hơn nhiều so với mức lạm phát của 4 tháng đầu năm nay - chỉ 0,04%.

Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát năm nay có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp. Năm 2014, lạm phát của Việt Nam là 1,84%.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, lạm phát thấp có phải là tốt hay không?

Như một lẽ đương nhiên, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát thấp trong khi tăng trưởng cao là tốt. Và ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố tiên quyết tạo điều kiện cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, lạm phát thấp lại đặt trong bối cảnh sản xuất công nghiệp đang phục hồi (Chỉ số Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nay tăng 9,4% so với cùng kỳ - PV), sức mua có dấu hiệu cải thiện (8%, sau khi trừ đi yếu tố giá cả, cao hơn nhiều mức tăng 4,65% và 5,6% của tương ứng hai năm 2013 - 2014 so với cùng kỳ), là một tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

“Lạm phát thấp cũng đang tạo cho Nhà nước khoảng trống để xử lý các vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường”, ông Ân nói.

Mặc dù vậy, một cách thẳng thắn, TS. Trần Du Lịch đã nhắc tới sự chênh lệch giữa con số lạm phát thực tế và lạm phát kỳ vọng để nói về cái khó của cộng đồng doanh nghiệp.

“Năm 2014, lạm phát thực tế chỉ là 1,84%, trong khi lạm phát kỳ vọng là 5-7%. Trong khi đó, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh là dựa trên lạm phát kỳ vọng. Họ chấp nhận vay vốn với lãi suất vẫn 10-11%, nhưng lạm phát thực tế chỉ là 1,84%, như vậy là chi phí tài chính quá đắt. Ai cũng biết tăng trưởng cao mà lạm phát thấp thì là tốt, nhưng đặt trong bối cảnh này thì có phải là tốt hay không?”, ông Lịch đặt câu hỏi.

Câu hỏi này không phải là không có lý và cũng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lý giải rằng, năm 2014, mục tiêu kiểm soát lạm phát được Chính phủ đặt ra ở mức 7%, sau đó kỳ vọng ở mức 4,5 - 5%. Tuy nhiên, do cuối năm, giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh từ mức 120 USD xuống chỉ còn khoảng 40 USD/thùng, lại cộng thêm giá lương thực, thực phẩm giảm, giá dịch vụ công được giữ ổn định, nên lạm phát cả năm chỉ ở mức 1,84%.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng có chung quan điểm như vậy và cho biết, sau khi loại trừ các yếu tố nói trên, lạm phát cơ bản năm 2014 vẫn là 4,7% - một con số không thấp hơn lạm phát kỳ vọng.

Như vậy, vấn đề không phải nằm ở điều hành và dự báo. Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, những năm gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tính toán lạm phát cơ bản, làm cơ sở cho điều hành chính sách tiền tệ. 4 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản đang ở mức 2,2%.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đình Ân, vẫn phải tính đến một nghịch lý ở nền kinh tế Việt Nam hiện nay, như TS. Trần Du Lịch đã đề cập, đó là lạm phát dù thấp nhưng lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao. “Nguyên nhân cơ bản là do vấn đề nợ xấu chậm được xử lý. Cần phải đẩy nhanh tiến trình này để doanh nghiệp được hưởng một mức lãi suất hợp lý hơn”, ông Ân nói.

Theo Hà Nguyễn
Báo Đầu tư
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *