Lạm phát bắt đầu “ngấm đòn” giá điện, xăng dầu

FICA – Chỉ số CPI đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,14% so với tháng 3. Trong khi lương thực, thực phẩm duy trì thấp thì với việc tăng giá xăng dầu ngày 11/3 và tăng giá điện bình quân ngày 16/3 đã khiến chỉ số giá giao thông; nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 4 đã nhảy vọt.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 4/2015. Theo đó, CPI đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,14% so với tháng 3 và tăng 0,04% so với thời điểm tháng 12/2014. So với cùng kỳ tháng 4 năm ngoái, CPI tăng 0,99%. CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 0,8%.

So với tháng 3, tháng này có tổng cộng 3/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42%. Đây là nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI (chiếm khoảng 39%). Mức giảm mạnh nhất tại nhóm hàng thực phẩm (0,54%), lương thực giảm 0,31% và kể cả ăn uống ngoài gia đình cũng giảm 0,14%.

Nguyên nhân khiến chỉ số giá lương thực, thực phẩm diễn biến đi xuống chủ yếu do lượng gạo xuất khẩu giảm, tồn kho tại các tỉnh phía Nam đang khá lớn. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu của người dân không tăng đã làm cho giá thịt lợn và giá các loại rau có xu hướng giảm.

Ngoài ra, trong tháng này, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 0,01%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.

Chiều ngược lại, nhóm có chỉ số giá tăng mạnh nhất trong tháng là giao thông. So với tháng 3, chỉ số giá giao thông tăng vọt 2,47%. Nguyên nhân chủ yếu do đợt điều chỉnh giá xăng hồi 11/3 tới nay mới được phản ánh rõ rệt. Hiện giá xăng A92 có giá 17.280 đồng/lít, xăng A95 là 17.880 đồng/lít, dầu diezen 0.05S là 15.880 đồng/lít.

Việc giá điện bình quân tăng 7,5% từ thời điểm 16/3 cũng đã khiến chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,84% so với tháng trước. Nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.

Một số nhóm hàng khác có chỉ số giá tăng so với tháng 3 còn có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,32%); may mặc, mũ nón, giầy dép (tăng 0,14%); thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,19%)…

Nằm ngoài rổ tính CPI, trong tháng 4, chỉ số giá vàng giảm mạnh 1,04% so với tháng 3 trong khi chỉ số USD tăng 0,74%.

Tại một số thành phố lớn, chỉ số giá tiêu dùng cũng ghi nhận tăng trong tháng vừa rồi: Cụ thể, CPI Hà Nội tăng 0,2%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,03%; Đà Nẵng tăng 0,26%; Thừa Thiên Huế tăng 0,15%...

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *