Kinh tế Việt Nam đã ở mức đáy, đến lúc phải “chấp cánh bay lên”

FICA - Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vấn đề bây giờ là phải hiến kế thế nào để có giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam chấp cánh bay cao trở lại.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 20/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (chuyên gia kinh tế) cho hay: Kinh tế Việt Nam trong gần 4 năm qua ở mức đáy và đã đến lúc phải chấp cánh bay lên. Vì chúng ta có một thời gian dài tăng trưởng từ năm 1991 đến 2010, bình quân 7,3%/năm, nhưng 4 năm qua, chúng ta chỉ đạt 5,6%. Như vậy, vấn đề bây giờ là phải hiến kế thế nào để có giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam chấp cánh bay cao trở lại.

Tôi có niềm tin là trong kỳ họp Quốc hội này chúng ta sẽ nghe nhiều hơn những sáng kiến, ý kiến, giải pháp mang tính đột phá nhất cho đất nước phát triển hơn là nghe những phàn nàn trước đây về quá khứ, nói nhiều về tật xấu, lãng phí, tham nhũng. Bây giờ chúng ta cần nghe giải pháp, tương lai, nghe sự hiến kế đó.

Nhân đây, tôi cũng chia sẻ một con số về sự cải thiện giữa tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân. Năm 1991, GDP đầu người của Việt Nam là 143 USD/năm và chúng ta đứng ở vị trí 184, thấp nhất thế giới.

Đến năm 2012, GDP đạt khoảng 1.600 USD/người/năm, chúng ta đứng ở vị trí thứ 155. Như vậy có sự cải thiện về thứ hạng. Và năm 2013, GDP đạt bình quân 1.911 USD/người và đứng thứ 132. Vấn đề là làm sao mức sống của người dân phải cao hơn nữa.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để làm sao kinh tế tăng trưởng trở lại?

Vì tiềm năng của chúng ta là tăng trưởng từ 7,5% trở lên và có những giai đoạn như 1995-1996 chúng ta tăng trưởng 9,5%, rồi giai đoạn 2005-2006, tăng trưởng 8,5%. Trong khi đó 4 năm nay chúng ta chỉ tăng trưởng 5,6%. Như vậy, đã đến lúc phải có sự đột phá nhưng phải có cơ sở. Đó là, muốn tăng trưởng bền vững phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 4 năm qua chúng ta đã tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thì đã đến lúc phải tăng trưởng. Giải pháp nào đạt tăng trưởng chính là mục tiêu các đại biểu quốc hội cần phải đưa ra trong kỳ họp này.

Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng của Quốc hội là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, phải đưa ra được những luật đi vào thực tiễn, phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế đang phát sinh. Ví dụ, chúng ta nói cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Vậy luật Đầu tư công phải thể chế hóa. Rồi Luật quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước, vì doanh nghiệp là nơi sử dụng nhiều tài sản của quốc gia. Luật này phải làm sao gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đóng góp vào sự tăng trưởng, nguồn thu của ngân sách.

Và nền kinh tế phải chấp cánh trên cơ sở thế mạnh của Việt Nam. Thế mạnh của Việt Nam là ở nền nông nghiệp hiện đại và ngành du lịch phát triển trên cơ sở danh lam, thắng cảnh của Việt Nam, nhiều di sản thế giới, di tích lịch sử, bờ biển dài và đẹp… Không có lý do gì Việt Nam không phát triển ngành du lịch để thu hút ngoại tệ, góp phần vào tăng trưởng.

Ông vừa nói đến các Luật, Luật đầu tư công đã được Quốc hội thông qua, vậy làm thế nào để phát huy được và đưa luật vào cuộc sống?

Luật đầu tư công ban hành trong đợt họp trước, vấn đề quan trọng là việc thể chế, cụ thể hóa để làm sao gắn được với trách nhiệm của người cấp phép đầu tư cũng như cơ quan thẩm định đầu tư, phê duyệt đầu tư, ra chủ trương đầu tư phải gắn với trách nhiệm đó và để dự án đó đi vào cuộc sống. Bởi vì quá trình phát triển nền kinh tế của ta để nâng cao chất lượng cuộc sống cần phải tiếp tục đầu tư công, nhưng người dân mong muốn thà không làm thì thôi nhưng đã làm thì phải có hiệu quả, chống lãng phí và phải có một sự giám sát không phải chỉ của đại biểu quốc hội mà của toàn bộ hệ thống chính trị để luật đầu tư đó đi vào hiệu quả.

Như chúng ta thấy luật về đầu tư, doanh nghiệp sửa đổi, luật về quản lý vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước… sẽ tiếp tục được thông qua tại kỳ họp quốc hội lần này đó là những luật rất quan trọng góp phần thúc đẩy tinh thần của các doanh nhân, thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới và để có nguồn thu.

Thưa ông, bên cạnh đó còn có luật quản lý vốn thì có đóng góp như thế nào để luật này đi vào cuộc sống?

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng của luật quản lý vốn nhà nước làm sao để đồng vốn được quản lý chặt chẽ, phát huy được hiệu quả và quản lý của chúng ta không gì bằng đó là đánh giá mức hiệu quả của sử dụng đồng vốn. Còn về phía doanh nghiệp muốn chứng minh được hiệu quả phải thể hiện là lợi nhuận anh có không?  Và lợi nhuận đó không phải có lời là được đâu mà phải cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, còn tôi phải đi vay phát hành trái phiếu, đi vạy là phải trả lãi suất rồi, cấp vốn cho anh nhưng mà anh có lời không đủ bù để trả lãi tiền lãi trái phiếu thì làm sao đánh giá được hiệu quả được.

Do vậy làm sao để doanh nghiệp nhà nước đảm bảo được tính minh bạch, công khai để người dân giám sát được và tránh được những trường hợp trong quá khứ vừa qua và chúng ta phải làm rõ hơn trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước. Cơ quan quản lý vốn nhà nước làm sao tách bạch được bộ phận quản trị với bộ phận chủ sở hữa, chúng ta không thể để một bộ như Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa đại diện vốn nhà nước thì chúng ta nhập nhằng ở đây. Trong khi Bộ Công Thương không phải chỉ lo doanh nghiệp nhà nước mà phải lo tất cả các loại doanh nghiệp trong nền kinh tế, như vậy chúng ta phải tách bạch ra để đảm bảo tính công bằng từ đó thúc đẩy quá trình phát triển của nền kinh tế.

  • Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *