HSBC: Tăng trưởng và lạm phát Việt Nam đều dưới 6% trong 2014

FICA - Trong ngắn hạn, Khối phân tích của HSBC kỳ vọng lĩnh vực sản xuất sẽ phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nước ngoài được cải thiện và hoạt động đầu tư ngày càng tăng. Nhu cầu nội địa cũng sẽ phục hồi khi tăng trưởng tín dụng tăng. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi chậm chạp sẽ níu chân tăng trưởng trong năm 2014 và 2015.

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô phát hành ngày hôm nay (2/5/2014), Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC mở đầu với nhận định ngắn gọn: "Việt Nam đang đi đúng hướng".

 

Sự phát triển của lĩnh vực sản xuất Việt Nam vẫn đang dựa vào sự hỗ trợ của khu vực FDI.

Tổ chức này chỉ ra, lợi thế của Việt Nam là đất đai màu mỡ tạo ra một môi trường tự nhiên cho các loại cây trồng như gạo, cà phê và tiêu đen được phát triển. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ ba ở châu Á – Thái Bình Dương và còn có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác chưa được khai thác.

Thêm vào đó còn có nguồn dân số trẻ, có tri thức và chủ yếu là những nông dân mong muốn được cải thiện tiêu chuẩn sống của họ. Việt Nam còn được định trước sẽ là một quốc gia nổi trội về mặt thương mại khi sở hữu một bờ biển dài kết nối thị trường nội địa với những phần còn lại của thế giới và đường biên giới tiếp giáp với những thị trường lớn như Trung Quốc.

Từ khi gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1996 và thiết lập hiệp định thương mại song phương với Mỹ vào năm 2001, Việt Nam đã và đang theo đuổi một chính sách thương mại tích cực. Ban đầu, dầu thô và các nguyên vật liệu là những lại mặt hàng chính yếu được xuất khẩu ra nước ngoài. Sau đó các mặt hàng hoá sản xuất dần dần chiếm thị phần lớn hơn.

Từ năm 2001, xuất khẩu đã tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm. Ngay cả khi môi trường tăng trưởng toàn cầu phát triển chậm chạp, nhu cầu nước ngoài đối với các loại hàng hoá Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng tăng 16,9%. Chỉ số PMI của HSBC cũng tăng mạnh từ mức 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng 4.

Mặt khác, HSBC cũng chỉ ra, mặc dù Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế thị trường, nhưng đa phần các doanh nghiệp vẫn còn chịu sự quản lý của Nhà nước. Ví dụ, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào tháng 1/2007 và đã tự do hoá quyền kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn có sự phân biệt giữa quyền phân phối hàng hoá nhập khẩu tại Việt Nam tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp phân phối có vốn sở hữu Nhà nước.

Theo nhìn nhận của HSBC, các doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước vẫn chiếm ưu thế ở một số lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Kế hoạch phát triển đất nước từ năm 2011 đến năm 2015 kêu gọi cổ phần hoá khoảng gần một nửa trên tổng số 1.309 doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước, nhưng với các ngành công nghiệp “nhạy cảm” như năng lượng, ngân hàng, truyền thông và hàng không vẫn còn đang được xem là các lĩnh vực chiến lược của Nhà nước.

Mặc dù vậy, HSBC cho rằng, vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về triển vọng phát triển trung hạn của Việt Nam. Tính hiệu quả trong một số lĩnh vực cần được cải thiện, ví dụ như giá cả đang dần được tự do hoá để khuyến khích sản xuất và giảm thiểu những tổn thất ở một vài lĩnh vực như điện lực. Các dự án đầu tư công cộng phù phiếm sẽ được thay thế bằng những dự án có mục tiêu rõ ràng hơn.

Trong ngắn hạn, Khối phân tích của HSBC kỳ vọng lĩnh vực sản xuất sẽ phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nước ngoài được cải thiện và hoạt động đầu tư ngày càng tăng. Nhu cầu nội địa cũng sẽ phục hồi khi tăng trưởng tín dụng tăng.

Tuy vậy, trong khi triển vọng về mặt trung hạn đang dần tươi sáng hơn thì tốc độ phục hồi chậm chạp sẽ níu chân tăng trưởng trong năm 2014 và 2015. Tổ chức này dự báo, cả tăng trưởng và lạm phát đều dưới mức 6% trong năm 2014.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *