Gói cam kết Bali, Việt Nam được lợi gì?

FICA - Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong gói cam kết Bali về vấn đề nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại và chính sách ưu đãi phát triển.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong gói cam kết Bali về vấn đề nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại và chính sách ưu đãi phát triển, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ CSTM Đa biên, Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo về Gói cam kết Bali của WTO , cơ hội và thách thức đối với Việt Nam diễn ra sáng nay (28/7).

 

Các đại biểu dự Hội nghị ở Bali, Indonesia. Ảnh: wto.org

 

Gói cam kết Bali nằm trong Vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha được Bộ trưởng Kinh tế WTO (trong đó có Việt Nam) đạt được vào tháng 12/2013 tại Bali (Indonesia).

 

Gói cam kết Bali xoay quanh 3 vấn đề chính được đem ra thỏa thuận đó là: Các chính sách ưu đãi trong nông nghiệp như: đảm bảo an ninh lương thực cho các nước nghèo đói, chậm phát triển (LDC) bằng hình thức cho phép chính phủ các quốc gia này trợ giá hàng nông sản; ưu đãi các LDC trong cạnh tranh xuất khẩu thông qua quy định hẹp về mở cửa thị trường hàng nông sản cho các nước phát triển và gỡ bỏ các hạn ngạch thuế quan, hải quan: rút ngắn chi phí, thời gian thông quan cho các nước LDC nhằm tạo dựng cơ hội phát triển.

 

Về cam kết Thuận lợi hóa Thương mại (TF): các nước tham gia cũng cam kết gỡ bỏ các thủ tục phiền hà ảnh hưởng đến hoạt động thương mại mậu dịch, trong đó đặc biệt là thực hiện cơ chế hải quan linh hoạt, tiết giảm thời gian và cắt bỏ các thủ tục. Bãi bỏ các hàng rào trá hình SBS và TBT của các nước phát triển đối với các nước LDC, xây dựng cơ chế công nhận lẫn nhau trong quy tắc xuất xứ hàng hóa…

 

Gói Bali cũng kỳ vọng vào việc kích thích các nước đang và chậm phát triển có cơ hội hơn trong sân chơi thương mại toàn cầu thông qua Gói Thương mại và phát triển. Các bộ trưởng WTO sẽ xây dựng cơ chế mở có lộ trình dành cho các nước LDC và cơ chế hẹp (hạn chế) đối với các nước phát triển nhằm đảm bảo đối xứng trong thương mại cũng như hỗ trợ các quốc gia LDC phát triển hơn.

 

Gói Bali là được thông qua vào phút chót với bút ký của Ấn Độ khi nước này không đồng ý các điều khoản chống trợ cấp mà các nước phát triển đưa ra đối với lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp trong cấu thành của Gói Bali cũng được hưởng nhiều ưu đãi nhất, Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT: Trong Gói Bali, Việt Nam là thành viên của nhóm (Cairns) các nước đấu tranh chống trợ giá hàng nông sản, đối trọng với Mỹ và EU. Thúc đẩy thương mại đa phương nông nghiệp, xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu.

 

Mục tiêu của các nước LDC là bắt buộc các nước phát triển cải thiện tiếp cận thị trường nông nghiệp, bỏ trợ cấp, và các biện pháp bóp méo thương mại đối với hàng nông nghiệp xuất khẩu từ các nước LDC. Trong quy định nêu rõ, các nước phát triển cắt giảm thuế 5% trong 5 năm. Các nước khác 10% trong vòng 10 năm, còn riêng với Việt Nam có nền kinh tế quy mô nhỏ, chúng ta không phải cắt giảm. Về xóa bỏ trợ cấp, 80% đối với các nước có trợ cấp trên 60 tỷ USD, 70% đối với các nước trợ cấp từ 10 - 60 tỷ USD và 55% với các nước từ 10 tỷ USD. Đối với các nước trợ cấp 10 tỷ USD thì không phải cắt giảm và Việt Nam không bị cắt giảm bởi chúng ta không hỗ trợ quá nhiều, chủ yếu chỉ hỗ trợ ở tín dụng.

 

Với lợi thế thặng dư xuất nhập khẩu nông sản, Việt Nam lại là nước đang phát triển nên thị trường xuất khẩu khi Gói Bali đi vào hiện thực sẽ thông thoáng hơn và ít gặp trở ngại. Bên cạnh đó, chính sách hải quan chung, đây sẽ là động lực thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ trong thời gian tới với nhiều chính sách ràng buộc quốc tế cao hơn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thương mại và phát triển cũng tạo điều kiện cho Việt Nam gia tăng đầu tư và mở rộng thương mại đối với các nước thành viên của WTO khác có chung điều kiện kinh tế tương đồng nhằm đa dạng hóa thị trường đầu tư và mậu dịch.

 

“Gói Bali” là cam kết sơ bộ về 20 lĩnh vực, ngành hàng của Vòng đàm phán thương mại toàn cầu (Doha) của WTO. Đây là tín hiệu vui tránh được sự đổ vỡ của Doha sau rất nhiều năm bế tắc bởi xung đột giữa các nước đàm phán. Theo ước tính của WTO, Gói Bali sẽ đóng góp cho thế giới hàng trăm tỷ USD và tạo việc làm cho 20 – 30 triệu người, trong đó khoảng 18 triệu người từ các nước đang và kém phát triển.

 

Gói Bali là một thỏa thuận có tính chất lịch sử kể từ khi ra đời của tổ chức này, đây là hiệp định đa phương đầu tiên được thông qua vào phút chót giữa các nước thành viên vốn có rất nhiều bất đồng về bảo hộ, trợ giá nông nghiệp cũng như các vấn đề ưu tiên của các nước phát triển dành cho các nước đang và kém phát triển.

 

Nhật Minh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *