Gia nhập TPP: Viễn cảnh không chỉ toàn màu hồng với Việt Nam

FICA – Ở một sân chơi mới với nhưng luật lệ mới, Việt Nam nhận được nhiều cơ hội để chuyển mình, song nếu không kịp thích nghi và không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không ít doanh nghiệp sẽ bước hụt và tụt lại phía sau.

Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước trong khu vực. Riêng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện vẫn trong tiến trình đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong năm 2015. TPP được kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam, tuy nhiên cũng sẽ mang đến không ít thách thức đối với nền kinh tế - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CLCSTC) đánh giá.

Nông nghiệp Việt Nam có kịp “lột xác”?

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, việc tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường nông sản ra nước ngoài.

Cụ thể, Việt Nam là một nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, có thể sản xuất nông nghiệp quanh năm. TPP ký kết có thể thúc đẩy đầu tư của các nước trong khối vào Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp.

Thêm vào đó, khi tham gia TPP, thuế suất giảm về 0% sẽ đem lại cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, Viện cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi tham gia TPP.

Một là, đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, ngành chăn nuôi không có nhiều thuận lợi. TPP sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt, trong khi các sản phẩm chăn nuôi của một số nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam.

Hai là, việc giảm thuế trong TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá thành rẻ, chất lượng và mẫu mã đa dạng. Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong khi đó, các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

Ba là, các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán hạn chế nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến nhưng yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp có nguy cơ gia tăng áp lực cạnh tranh.

Bốn là, để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc còn kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng vừa không bảo vệ được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các quy định về nước thải từ trại chăn nuôi hiện nay lại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Thái Lan và các nước tiên tiến khác, nước thải chỉ cần ủ và lọc qua hầm biogas là có thể tưới cho cây công nghiệp, nông sản… trong khi Việt Nam yêu cầu xử lý nước thải đạt loại A, dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp chăn nuôi cao hơn.

Thách thức với hệ thống ngân hàng

Theo Viện CLCSTC, mức độ mở cửa của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam hiện còn thấp, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, việc dần xóa bỏ các điều kiện thị trường lại trở thành thách thức do hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Về tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tuy đã có những tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo IMF, tính đến năm 2012, tỷ lệ chi nhánh và phòng giao dịch trên 100.000 người dân Việt Nam là 3,17, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 11,7, Indonesia là 9,59, các nước OECD là 27; mức độ phân bổ các chi nhánh và phòng giao dịch tại Việt Nam chưa đồng đều, tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều này làm tăng cơ hội cho các ngân hàng quốc tế tiếp cận thị phần khách hàng, ảnh hưởng tới thị trường tiềm năng của các ngân hàng trong nước.

DNNN mất nhiều đặc quyền, đặc lợi

Với việc tham gia TPP, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ không còn được hưởng các ưu đãi hay đặc quyền, đặc lợi (về điều kiện tiếp cận vốn, được bảo hộ). Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tạo sức ép thúc đẩy các DNNN chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, phạm vi áp dụng các quy tắc đối với DNNN chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà không áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ, nghĩa là Chính phủ các nước TPP không bị hạn chế trong việc hỗ trợ các DNNN cung ứng dịch vụ tại thị trường nội địa. Theo đó, DNNN hoạt động tại các lĩnh vực có nguồn vốn lớn, được kỳ vọng cao trong việc tái cơ cấu (tài chính, viễn thông, y tế, giáo dục, phân phối...) của Việt Nam lại không bị tác động chi phối của TPP nên áp lực đổi mới không cao.

Về cơ bản, tham gia TPP là phù hợp với định hướng cải cách DNNN cũng như cải cách, đổi mới kinh tế thị trường của Việt Nam. Bởi vậy, theo Viện CLCSTC, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO; cải cách và hoàn thiện thể chế về pháp luật kinh doanh.

Thế khó khi lệ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ “nội khối”, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%.

Đây là khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy.

Hiện nay, do năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy Việt Nam đang lệ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc (nước không tham gia TPP). Trong khi Quy tắc xuất xứ áp dụng “từ sợi trở đi” thì Việt Nam khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%; Hàn Quốc 16,97%; EU 5,8%. Trong khi 3 đối tác TPP trong tương lai là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, tương ứng là 4,76%; 5,59% và 0,87%. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội đối với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu bởi nếu vượt qua được, Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi thực trạng là một nước gia công đơn giản, đồng thời thúc đẩy các ngành phụ trợ.

Các cuộc đàm phán về TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút được 12 nước tham gia. Trải qua hơn 20 vòng đàm phán, hiện các quốc gia đang hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu kết thúc đàm phán trong năm 2015, đưa TPP trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. 

Do đó, theo các chuyên gia Viện CLCSTC, tham gia TPP, dù có những thách thức nhất định, song cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như tận dụng tối đa những lợi ích từ hiệp định thế kỷ TPP đem lại.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *