Giá dầu giảm mang đến hy vọng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam

Tình hình tăng trưởng của Việt Nam đã mạnh mẽ hơn và việc hưởng nhiều lợi ích từ giá dầu giảm đã khiến IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 và 2016.

gia dau giam mang hy vong cho kinh te

Đó là thông tin đến từ phía ông Sanjay Kalra – Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF lý giải cho việc điều chỉnh dự báo của tổ chức này.

Tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 sẽ thấp hơn 2015

Trong báo cáo công bố ngày 14.4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6% trong năm 2015. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của mình, IMF đã điều chỉnh lại, nâng con số dự báo lên 6%.

Trả lời Đài truyền hình Việt Nam (VTV), lý do được ông Sanjay Kalra – Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam đưa ra là dữ liệu mới cập nhật từ quý II/2014 đến nay cho thấy, tình hình tăng trưởng của Việt Nam đã mạnh mẽ hơn, mang đến nhiều triển vọng cho bức tranh chung của nền kinh tế trong năm 2015.

Ông nói thêm, mặt khác, Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua. "Dựa trên hai yếu tố trên, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam tăng 0,4% so với báo cáo năm 2014", ông Sanjay Kalra nói.

Tuy nhiên, vị đại diện của IMF tại Việt Nam cũng cho biết, IMF đưa ra mức dự báo tăng trưởng năm 2016 thấp hơn so với năm 2015. Trong bối cảnh Việt Nam tiến dần hơn đến thị trường mở cửa của kinh tế thế giới với hàng loạt các FTA thì dự báo này khiến nhiều người thắc mắc.

Giải đáp thắc mắc này, ông Sanjay Kalra cho biết, trước hết, việc Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2016.

Việc giá dầu tăng trong những năm tới sẽ có tác động ngược chiều đến sự tăng trưởng của Việt Nam cũng như các quốc gia khác.

Ông Sanjay Kalra cho biết thêm, chính sách tiền tệ của Mỹ khiến đồng USD ngày càng tăng mạnh, mà đồng tiền của Việt Nam đang được neo tỉ giá theo đồng USD. Điều đó sẽ khiến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

“Do vậy, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8%, tức là giảm 0,2% so với năm 2015”, ông Kalra kết luận.

Theo đó, với dự kiến đạt mức tăng trưởng 6%, Việt Nam xếp thứ hai trong ASEAN 5, sau Philippin. Song song với đó, mức tăng trưởng của Việt Nam cũng được đánh giá là cao hơn mức tăng trưởng trung bình của các nước trong khu vực ASEAN 5.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5 % trong năm 2015

Cũng theo báo cáo, IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 3,5% của kinh tế toàn cầu, con số này được đưa ra trong dự báo đã công bố ngày 19.1. Bên cạnh đó, IMF cũng kì vọng con số này được nâng cao hơn, lên 3,8% trong năm 2016.

Song song với đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 3,6% xuống 3,1%, tuy nhiên IMF cũng cho biết, Mỹ vẫn là quốc gia đầu tàu trong nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2015-1016.

Trong khi đó, nền kinh tế 18 nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015 và 1,6% trong năm 2016, tăng so với dự báo hồi tháng 1.2015 là 1,2% (2015) và 1,4% (2016).

Tại châu Á, IMF không điều chỉnh dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi cho rằng nền kinh tế số 2 thế giới này sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% và 6,3% lần lượt trong 2 năm 2015 và 2016, giảm đáng kể so với mức tăng 7,4% trong năm 2014.

Với Nhật Bản, IMF cho rằng quốc gia “mặt trời mọc” này sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,2% trong năm tới so với con số dự báo trước đó chỉ là 0,6% trong năm 2015 và 0,8% trong năm 2016. 

Còn với Ấn Độ, IMF dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm nay và năm tới, vượt cả Trung Quốc nhờ tác động từ giá dầu giảm và công cuộc cải cách do Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy. Cụ thể, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2015 và năm 2016.

Trong khi đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như tác động từ giá dầu giảm.
 
Theo Hoàng Long (Tổng hợp)
Một Thế Giới
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *