Gần 6 năm sau vụ PCI, hối lộ ODA lặp lại: Vẫn không hiểu vì sao "lọt lưới"!

FICA - Sau vụ hối lộ của PCI năm 2008, Việt - Nhật đã có Ủy ban hợp tác, kiểm tra giám sát để phòng chống tham nhũng, nhưng nay có thể vẫn lọt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, rõ ràng khâu quản lý chưa hoàn thành trách nhiệm.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA diễn ra ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2013, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân của Việt Nam đạt hơn 5,1 tỷ USD, trong đó ODA và vốn vay ưu đãi đạt gần 4,7 tỷ USD, vốn viện trợ không hoàn lại đạt hơn 451 triệu USD.

Tình hình giải ngân được đánh giá là chuyển biến tích cực, hơn 23% so với năm 2012. Các nhà tài trợ lớn tiếp tục duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản với 1,7 triệu USD, World Bank với 1,35 tỷ USD, riêng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có sự đột phá khi lần đầu tiên mức giải ngân vượt mức 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tổng vốn ODA chưa giải ngân còn rất lớn, trên 20,9 tỷ USD. Trong số này, vốn phải giải ngân của các chương trình dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 là 8 tỷ USD.

Một số bộ ngành địa phương có vốn ODA lớn chưa giải ngân gồm Bộ Công thương (chủ yếu là các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN gần 2,67 tỷ), Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) với 6,39 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp với 2,132 tỷ USD. Như vậy, áp lực của việc cải thiện và giải ngân số vốn này là rất lớn.

Theo tính toán của ADB, nếu tình hình giải ngân không được cải thiện thì hàng năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi thành lập ban quản lý dự án phải tính đến sự tồn tại của các ban quản lý dự án hiện có để đảm bảo năng lực. Chính phủ nên xây dựng Thông tư riêng về việc thành lập các PMU để có các đơn vị đầy đủ trình độ quản lý dự án.

"Xảy ra hối lộ là điều đáng tiếc"

Liên quan đến việc báo chí Nhật bản đưa thông tin Công ty tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, “nếu có sự việc này thì thực sự là điều đáng tiếc”.

Hiện tại, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an phối hợp với phía Nhật Bản làm rõ. Việt Nam sẽ tiếp tục tìm ra những giải pháp, rút kinh nghiệm để tìm ra cơ sở pháp lý, hạn chế tiêu cực.

Ông Dũng cũng cho biết, trên thực tế, sau vụ PCI năm 2008, Ủy ban hỗn hợp về phòng chống tham nhũng Việt – Nhật đã được thành lập với quyết tâm tìm ra những giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2008, cũng đã từng xảy ra vụ hối lộ quan chức của công ty Pacific Consultants International, viết tắt là PCI, Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản. Vụ việc đưa hối lộ của một số quan chức công ty PCI với Ban Quản lý dự án PMU tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là với ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc Ban Quản lý PMU Đông – Tây thời điểm bấy giờ đã tạo nên một “nốt buồn” trong lĩnh vực đầu tư của Việt Nam.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra yêu cầu phải đánh giá lại để tìm ra những lĩnh vực có “tiềm năng” tham nhũng tại các dự án ODA, các bộ ngành phải xem lại nguy cơ tham nhũng nằm ở đâu.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, “Rõ ràng chúng ta chưa hoàn thành trách nhiệm. Sau vụ PCI, hai bên đã có ủy ban hợp tác, kiểm tra giám sát để phòng chống tham nhũng, nhưng nay có thể vẫn lọt”.

  

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù năm 2013 có tăng trưởng về giải ngân thể hiện cố gắng của các cơ quan, nhưng khoảng cách vẫn còn rất xa vì còn 20,9 tỷ USD chưa sử dụng. Tỷ lệ giải ngân của Việt Nam so với các nước trong khu vực đc cải thiện nhưng cũng chưa đáng tự hào, bởi số vốn ODA chưa được giải ngân ngày càng tăng lên, là thách thức lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành bàn về các giải pháp, đề xuất để tháo gỡ nhằm thúc đẩy giải ngân/  Với các dự án “đen”, các Bộ rà soát lại để có những giải pháp xử lý.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *