Đóng bảo hiểm 20 năm, hưởng lương hưu... 243.000 đồng/tháng

FICA - Cho ý kiến về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TPHCM - đưa ra dẫn chứng cụ thể trường hợp nữ công nhân quận Bình Tân đóng BHXH trong 20 năm nhưng khi về hưu được hưởng lương 243.000 đồng/tháng.

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đóng bảo hiểm 20 năm, hưởng lương hưu... 243.000 đồng/tháng
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải phân tích rõ công nhân đóng bảo hiểm 20 năm được hưởng lợi gì

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng, khi về hưu nhiều người được nhận lương hơn 1 triệu đồng không giải quyết được việc gì, còn cán bộ cao cấp, 37 năm công hiến sau đó về nghỉ cũng chỉ được lương vài triệu không đủ sống. “Vận động, làm tư tưởng gì chăng nữa, 43/47 nơi phản ứng là lớn. Chúng ta cần cho người lao động hiểu tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng gì?”, ông Hùng nói.

Tán thành sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nên tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn hưởng một lần hoặc tích lũy đến khi về hưu. Lý giải tại sao người lao động lại phản ứng về điều luật này, ông Hải cho biết, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất khắc nghiệt. Hơn nữa, người lao động phải dịch chuyển chỗ làm rất nhiều lần và rất ít người có điều kiện để về hưu.

“Vậy có phải người lao động không hiểu được nhận trợ cấp một lần thì thiệt thòi hơn là tới khi về hưu? Họ hiểu cả, nhưng họ vẫn lựa chọn như vậy”, đại biểu Hải nói và đưa ra dẫn chứng cụ thể trường hợp nữ công nhân quận Bình Tân tham gia bảo hiểm xã hội liên tục 18 năm. Đến 2 năm cuối cùng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu nhưng rút cục công nhân này nhận được 243.000 đồng/tháng.

“Lương hưu bèo bọt như vậy thì làm sao khuyến khích người dân đóng bảo hiểm xã hội để nhận tiền hưu khi về già? Tôi đề nghị ngoài sửa đổi điều 60 phải sớm thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề căn bản về tiền lương cho người lao động”, đại biểu Trần Thanh Hải nêu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, nhiều cử tri đặt vấn đề xem lại cách làm luật của Quốc hội. Vì sao một số điều luật Quốc hội thông qua gần đây tính khả thi không cao, dễ bị đối tượng chịu tác động của luật phản ứng. Đại biểu cho rằng, đây là ý kiến đáng lắng nghe vì nhiều luật chưa kịp thi hành đã bị phản ứng.

“Phản ứng của công nhân như vậy, tôi thấy còn có một tín hiệu vui, vì đó là phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là cách phản ứng chống lại sự áp đặt về chính sách với họ” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người làm luật không được áp đặt mà phải tạo điều kiện cho người chịu tác động lựa chọn các phương án. “Vấn đề lương hưu cần khảo sát thật kỹ, không được tước đoạt quyền chọn lựa của người lao động”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình sửa đổi điều 60 để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Khi chứng kiến công nhân phản ứng, đại biểu Dung cảm thấy có lỗi, xấu hổ với họ. Do vậy, đại biểu Dung đề nghị Quốc hội cầu thị trong việc sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.

“Bảo hiểm xã hội là vấn đề nhỏ, mà chính sách với người lao động mới là vấn đề lớn. Phải có chính sách toàn diện với người lao động chứ không phải người lao động phản ứng đến đâu lo đến đấy. Hưởng lương một lần người lao động thiệt thòi, phải bảo tồn nguồn người ta đóng góp không để người ta thiệt thòi như vậy. Chính sách hiện nay đóng 5 đồng chỉ nhận được 4 đồng rưỡi thôi là không công bằng”, đại biểu Võ Thị Dung phân tích.

Quang Phong

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *