Doanh nghiệp Việt đổ hàng triệu USD vào châu Phi

FICA - Chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến hết năm 2013, Việt Nam đã cấp 18 giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư sang 10 nước châu Phi với tổng số vốn trên 729 triệu USD.

Theo thông tin từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến hết năm 2013, Việt Nam đã cấp 18 giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư sang 10 nước châu Phi với tổng số vốn trên 729 triệu USD. 

Các dự án này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí (tại Angieri, Madagascar, Congo), viễn thông (Mozambique, Cameroon), nông nghiệp, thăm dò khoáng sản và sản xuất hàng tiêu dùng (Angola, Tanzania)...

Đầu năm 2014, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình thuộc Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành vừa hoàn thành quá trình khảo sát, đàm phán đầu tư Nhà máy Thủy điện công suất 2.000 MW và xây dựng Nhà máy sản xuất xi măng 5 triệu tấn/năm tại Cameroon. 

Theo chiều ngược lại, cũng đã có 9 quốc gia châu Phi đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 292,38 triệu USD trong đó 185,63 triệu USD là vốn điều lệ (tính đến hết tháng 3/2014). 

Đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư vào Việt Nam là Mauritius với 35 dự án, tổng số vốn đăng ký là 235,19 triệu USD, tiếp đến là Seychelles 10 dự án với 51 triệu USD, Nigeria 19 dự án với 2,28 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú và tư vấn. 

Nhìn chung, đa số các dự án tập trung tại các tỉnh thành phía Nam có cơ sở hạ tầng phát triển như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Hàng tỷ USD đổ về "lục địa đen"

Bộ Công thương vừa rồi cho hay, Hội nghị thường niên lần thứ 24 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về châu Phi tổ chức tại Abuja, Nigeria (7-9/5), đã thu hút được hơn 68 tỷ USD tiền đầu tư vào các dự án thúc đẩy nông nghiệp, cải thiện hạ tầng cơ sở, giáo dục, phát triển kỹ năng và công nghệ thông tin...

Trong số này có 16 tỷ USD của một công ty Nigeria cam kết đầu tư trong vòng bốn năm tới, tạo ra 180.000 việc làm và 1 tỷ USD của một công ty khác đầu tư trong vòng 10 năm, tạo ra 20.000 việc làm. Trong khi đó, khoản cam kết 2 tỷ USD từ các cơ quan tài trợ sẽ được rót vào nâng cấp hệ thống cung cấp điện tại Nigeria và 700 triệu USD dành cho chương trình tiêm chủng. 

Giám đốc điều hành WEF, Philipp Rosler cho biết khoản đầu tư trên là cơ hội cải thiện tại các quốc gia ở châu Phi đồng thời nhấn mạnh rằng hàng triệu người đã nhận thức được tầm quan trọng của châu lục này trong nền kinh tế toàn cầu. Với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm", WEF lần đầu tiên được tổ chức tại quốc gia Tây Phi này, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu. 

Nigeria, nước chủ nhà của WEF năm nay đồng thời là nền kinh tế lớn nhất tại châu Phi, cũng đã đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế, đưa quốc gia Tây Phi này vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020

Theo các chuyên gia, để đầu tư thành công vào châu Phi, doanh nghiệp cần lưu ý nghiên cứu rất kĩ thị trường để nắm được tất cả các thông tin thị trường, về lĩnh vực mình đang định đầu tư. Thứ hai là tạo lập được một mối quan hệ tốt với lãnh đạo cao cấp của nước sở tại, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn. Việc tiếp xúc với chính quyền địa phương các nước châu Phi không phải là quá khó khăn. 

Ngoài ra, cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực đủ chất lượng và nhiệt huyết để có thể làm việc ở một nơi xa xôi như châu Phi (biết ngoại ngữ, văn hóa địa phương, cách làm việc của người bản địa…). Điều này cũng góp phần tạo được thiện cảm tốt với Chính phủ và người dân của nước sở tại.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *