Doanh nghiệp đóng cửa, 400.000 tỷ đồng nguy cơ "bốc hơi" khỏi nền kinh tế

FICA - Riêng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể là 55.400 tỷ đồng, đây là vốn đăng ký của doanh nghiệp chắc chắn đã bị loại ra khỏi nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu cho thấy, trong tháng 9/2014, cả nước có 5.742 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 30.600 tỷ đồng, tăng 13,7% về số doanh nghiệp và tăng 11,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Như vậy, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng đạt 5,3 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng trước. Số lao động của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 86.700 người, tăng 9,2% so với tháng trước.

Cũng trong tháng 9, cả nước có 948 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động. Con số này giảm 36,6% so với tháng trước. Đồng thời, có 4.549 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, giảm 31,9%, bao gồm 662 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 2.910 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước lên tới 53.192 với tổng vốn đăng ký 320.300 tỷ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 6 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 795.200 người, giảm 0,9% so với cùng kỳ.

Riêng trong quý III/2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 15.877 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 89.400 tỷ đồng, so với quý II/2014 giảm 16,3% về số doanh nghiệp và giảm 32,7% về số vốn đăng ký; so với quý I/2014 tương ứng giảm 13,5% và giảm 8,7%; so với quý IV/2013 giảm 15,2% và giảm 23,8% và so với cùng kỳ năm trước giảm 17,8% và tăng 1,9%.

Chiều ngược lại, tổng cộng có tới 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký trong 9 tháng đầu năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này bao gồm 7.027 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 8.440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 32.863 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

741.800 tỷ đồng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế

Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong 9 tháng là 408.146 tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký của các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể là 55.400 tỷ đồng, đây là vốn đăng ký của doanh nghiệp chắc chắn đã bị loại ra khỏi nền kinh tế. Còn  vốn đăng ký của các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 40.000 tỷ đồng, đây là vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời.

Vốn đăng ký của các doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 312.700 tỷ đồng, đây là vốn của các doanh nghiệp thực sự khó khăn nhưng chưa hoàn thành thủ tục giải thể, do đó về mặt pháp lý số doanh nghiệp này chưa chính thức bị loại khỏi nền kinh tế.

11.872 là tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.

9 tháng đầu năm, nền kinh tế ghi nhận số vốn đăng ký bổ sung thêm của các doanh nghiệp là 741.800 tỷ đồng, bao gồm 320.300 tỷ đồng là vốn đăng ký của các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 421.500 tỷ đồng (tương ứng với khoảng 17.000 lượt đăng ký thay đổi) là vốn đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn.  Đây được đánh giá là yếu tố tích cực khi một bộ phận doanh nghiệp sau thời gian hoạt động và khẳng định được vị trí trên thị trường đã linh hoạt, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Theo ghi nhận của cơ quan Thống kê, trong 9 tháng năm nay, tình hình đăng ký doanh nghiệp ngành sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 14% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và giảm 26,1% về số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Ngành dịch vụ khác tăng 6,3% và giảm 16,5%.

Một số ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập cũng như số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (Ttăng 55,3% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 24,2% về số doanh nghiệp dừng hoạt động); nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 26,2% và tăng 6,8%); kinh doanh bất động sản (Tăng 23,4% và tăng 9,3%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 10,8% và tăng 25,4%); thông tin và truyền thông (tăng 8,3% và tăng 31,3%).

Ngược lại với xu hướng trên, một số ngành vẫn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 18,5% về số doanh nghiệp thành lập mới trong khi đó lại tăng 18,3% về số doanh nghiệp dừng hoạt động); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 11,5% và tăng 4,7%); xây dựng (giảm 10,8% và tăng 14,7%).

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *