Điều kiện sản xuất Việt Nam tăng cao kỷ lục!

FICA - HSBC vừa công bố thông tin cho biết, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã mạnh hơn trong tháng 5, với nhu cầu khách hàng tăng dẫn đến mức tăng kỷ lục của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới.

Tốc độ tạo việc làm cũng đã tăng trong tháng. Trong khi đó, chi phí đầu vào đã tăng lần đầu tiên trong 7 tháng, nhưng các công ty tiếp tục giảm giá cả đầu ra.

Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI™) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng trong hai tháng liên tiếp, từ 53,5 điểm trong tháng 4 lên 54,8 điểm trong tháng 5. Mức độ cải thiện về điều kiện hoạt động thể hiện bằng kết quả chỉ số của tháng 5 là mạnh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện hơn trong suốt 21 tháng qua.

Nhân tố chính dẫn đến sự cải thiện đáng kể của lĩnh vực sản xuất là mức tăng kỷ lục của số lượng đơn đặt hàng mới. Những người trả lời khảo sát cho biết mức tăng này chủ yếu phản ánh nhu cầu sản phẩm lớn hơn từ phía khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, mặc dù tốc độ tăng yếu hơn nhiều so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.

Khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, các nhà sản xuất đã tăng sản lượng thêm tương ứng. Vì lý do này, sản lượng đã tăng tháng thứ hai mươi liên tục, và với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số.

Các công ty đã có thể tăng sản lượng, một phần vì việc làm trong tháng 5 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Việc làm đã tăng mạnh với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1. Tuy nhiên, vẫn có bằng chứng về áp lực đối với năng lực sản xuất trong kỳ khảo sát mới nhất khi lượng công việc tồn đọng đã tăng lần đầu tiên trong 5 tháng. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng lượng công việc chưa thực hiện tăng lên chủ yếu là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.

Sau khi đã giảm trong suốt sáu tháng qua, chi phí đầu vào của các công ty trong ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trong tháng 5. Những người trả lời khảo sát cho rằng giá dầu và giá điện tăng, cùng với việc tiền đồng Việt Nam yếu hơn so với đô la Mỹ, là những nhân tố dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, tốc độ lạm phát là tương đối nhẹ và các công ty tiếp tục hạ giá đầu ra vì áp lực cạnh tranh. Giá cả đầu ra đã giảm trong suốt tám tháng qua.

Yêu cầu về sản xuất tăng lên làm cho các nhà sản xuất phải tăng mua hàng hóa đầu vào. Hoạt động mua hàng đã tăng mạnh, và với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát. Hoạt động mua hàng đã làm tăng tồn kho hàng mua tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ tăng cũng là nhanh nhất trong hơn bốn năm thu thập dữ liệu.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã kéo dài thêm một chút khi các thành viên nhóm khảo sát báo cáo mức tồn kho hạn chế tại các công ty. Tình trạng này diễn ra mặc dù một số báo cáo cho biết việc thanh toán nhanh đã làm hoạt động giao hàng nhanh hơn. Sự chậm chễ trong việc giao hàng cho khách hàng đã làm tăng tồn kho hàng thành phẩm trong tháng 5, trong khi sản lượng tăng mạnh cũng được coi là một nhân tố dẫn đến tăng hàng tồn kho sau sản xuất.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit cho hay, “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5 và tốc độ tăng trưởng là nhanh nhất trong bốn năm thu thập dữ liệu vừa qua.

Nguyên nhân chính dẫn đến thành công mới đây của các công ty ở Việt Nam là khả năng của các công ty trong việc giành được các đơn đặt hàng mới trong một môi trường cạnh tranh, và việc Ngân  hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá tiền đồng 1% so với đô la Mỹ đã trợ giúp cho các nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế. Mặc khác, một số công ty cho biết chi phí tăng do đồng tiền trong nước yếu hơn, dẫn đến tăng giá hàng hóa đầu vào lần đầu tiên trong thời kỳ bảy tháng.”

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *