Điện, xăng dầu thường xuyên báo lỗ: Không thể kiểm soát tính chính xác

FICA - Số liệu trong các ngành điện lực, xăng dầu luôn biến động, thường xuyên báo cáo là kinh doanh thua lỗ và phải tăng giá để bù lỗ hoặc điều chỉnh quỹ hỗ trợ giá các mặt hàng này, nhưng cũng không có cơ chế để kiểm soát tính chính xác của các con số…

Sáng nay 25/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thống kê (sửa đổi). Đánh giá tác động dự thảo Luật, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, tính độc lập của số liệu thống kê tài chính cũng được xem là một thách thức đối với Hệ thống thống kê Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: C

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có nhiều số liệu thống kê không thể thống kê chính xác được (ảnh: Việt Hưng).

Dẫn ví dụ điển hình là báo cáo nợ công năm 2012, Bộ trưởng Vinh nói: “Theo Bộ Tài chính khoảng 55,4% GDP, nhưng báo cáo của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực doanh nghiệp nhà nước thì khoảng 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP”.

Hay như, “có nhiều số liệu thống kê không thể thống kê chính xác được, như các số liệu trong các ngành điện lực, xăng dầu luôn biến động, thường xuyên báo cáo là kinh doanh thua lỗ và phải tăng giá để bù lỗ hoặc điều chỉnh quỹ hỗ trợ giá các mặt hàng này, nhưng cũng không có cơ chế để kiểm soát tính chính xác của các con số vì chỉ có thể dựa vào báo cáo của doanh nghiệp đó”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nói.

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên phải trả lời các câu hỏi do các đại biểu Quốc hội đưa ra trong các trường hợp số liệu thống kê bị hiểu sai hoặc sử dụng sai, nhất là các chỉ số về tăng trưởng kinh tế của đất nước (GDP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải xử lý, phản hồi kịp thời một số trường hợp hiểu sai về số liệu thống kê trên các phương tiện thông tin báo chí hoặc trong các báo cáo hoạt động của các ngành, lĩnh vực, ví dụ như việc hiểu sai về chỉ số giá tiêu dùng.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đó là do nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt. Điều này dẫn đến nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu; nguồn thông tin của các Bộ, ngành bị khép kín, không chia sẻ cho cơ quan thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình. Trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê còn chưa hiểu các con số thống kê phản ánh gì để sử dụng đúng mục đích và đưa ra những chính sách cho phù hợp.

Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội các phương án nhằm nâng cao giá trị pháp lý và tính độc lập, khách quan, trung thực của thông tin thống kê chính thức.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, nếu chọn lựa giải pháp có lợi nhất đối với hoạt động thống kê thì dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) cần phải kết hợp và thể hiện rõ các giải pháp quy định tại phương án 2B (tăng cường các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động thống kê và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê, tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ) và 2C (hình thành cơ chế giám sát số liệu thống kê thông qua việc thành lập và thúc đẩy hoạt động của Hội đồng thống kê quốc gia.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay và tương ứng với mô hình tổ chức của ngành Thống kê, thì phương án tối ưu, đem lại nhiều lợi ích và ít chi phí nhất là lựa chọn các giải pháp tại phương án 2B. Các quy định của Luật về quy trình, chuyên môn, nghiệp vụ, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thống kê cũng như cán bộ, công chức làm công tác thống kê cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể từng giải pháp đã được đề xuất và đánh giá tại phương án này.

Thực hiện giải pháp này sẽ đồng bộ tăng cường hiệu quả, chất lượng của công tác chuyên môn nghiệp vụ thống kê cho cả hệ thống các cơ quan làm công tác thống kê, nâng cao giá trị pháp lý và chất lượng, bảo đảm tính độc lập, khách quan, chính xác của các số liệu, thông tin thống kê, tránh tình trạng thực hiện đổi mới, cải cách đơn lẻ từng vấn đề sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra.

“Vì suy cho cùng, yếu tố then chốt để tạo nên chất lượng, giá trị, hiệu quả và độ tin cậy của số liệu thống kê, thông tin thống kê là ở yếu tố chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức bộ máy, con người làm ra nó”, Bộ trưởng lý giải.

Đồng thời, theo ông Vinh, dự án luật sửa đổi cũng có thể cân nhắc tới phương án tăng cường giám sát, phản biện của tổ chức, hiệp hội thống kê trong nước, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đối với thông tin thống kê, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để tăng giám sát ngoài hệ thống, nâng cao giá trị, chất lượng và độ tin cậy của hệ thống thông tin thống kê chính thức trong bối cảnh chưa có một cơ quan/tổ chức độc lập nào được thành lập để thực hiện nhiệm vụ này.

 Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *