Đề xuất "sốc" tăng thuế VAT: Người nghèo chịu hậu quả nặng nề hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, người có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Như Dân trí đưa tin, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ sang áp thuế VAT 10%, trong đó có nước sạch, một số loại máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, giáo dục, những nhóm còn lại tăng lên 6%.

Theo Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế VAT trong hoàn cảnh nào cũng sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, người có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Người thu nhập thấp chịu hậu quả nặng nề hơn

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, cần thận trọng với quyết định tăng thuế VAT. Lý do đầu tiên được vị chuyên gia chỉ ra rằng, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn.

"Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng", ông Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cũng cho rằng: "VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi".

Vị chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi "cứ có hóa đơn bán hàng là thu" nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.

"Các nước đều hạn chế thuế gián thu, một số ít đánh thuế 10%, một số 5%, có nước như nhiều bang tại Mỹ không thu. Tuy nhiên, VAT có tác động tới hàng hoá, ngay trực tiếp tới người tiêu dùng, thậm chí là người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ví dự như người nghèo thu nhập 6 triệu đồng thì dành tới 4 triệu đồng chi tiêu ăn uống tiêu dùng, tỷ lệ thuế sẽ cao trong khi với người giàu thu nhập 100 triệu đồng, chỉ dành 20% tiêu dùng thôi", ông Nghĩa ví dụ.

Giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng cách tăng thu

Bên cạnh lý do việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp, ông Vũ Thành Tự Anh còn cho rằng, hiện tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới.

"Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách", ông cho biết.

Đặc biệt, ông Tự Anh nhấn mạnh, điểm quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng đồng ý với nhận định này và cho biết: "Tỷ trọng huy động thuế của Việt Nam hiện cao hơn nhiều nước trong khu vực, nhiều nước chỉ khoảng 17%, có nước 14% nhưng Việt Nam tới 22-23%, chưa kể hàng loạt loại phí... Huy động như thế là quá cao rồi, tối đa rồi".

"Thâm hụt ngân sách của Việt Nam là truyền kiếp, trong lịch sử chưa bao giờ cân bằng, không phải lý do vì không tận thu mà là chi tiêu quá lớn, nhất là chi thường xuyên, thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ. Chúng ta nên đi theo hướng duy trì mức thu như hiện nay, thậm chí giảm hơn nhưng đồng thời tiết kiệm chi tiêu ráo riết hơn nữa, giảm bộ máy hành chính về số lượng, nâng chất lượng. Điều này tuy khó nhưng vẫn làm được", ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *