Dân tiết kiệm, CPI "nguội lạnh" ở cả hai thành phố lớn

FICA - Bên cạnh tác động của chương trình Bình ổn giá, thì xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của người dân cũng khiến giá cả các mặt hàng không có sự biến động ở Hà Nội và TPHCM, kể cả các mặt hàng thiết yếu thường có nhu cầu tăng cao trong dịp tết như thịt các loại, trứng, thực phẩm tươi sống, rượu bia…

 
Trong khi CPI Hà Nội chỉ tăng 0,49% thì CPI tại TPHCM cũng được kiểm soát mức khiêm tốn 0,24% so tháng trước.

Cục Thống kê TPHCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 trên địa bàn với mức tăng nhẹ ở mức 0,24% so tháng trước (thấp hơn mức độ tăng 1% của tháng 2/2013).

Trong tháng này, có 7/11 nhóm hàng có mức giá tăng với mức tăng cao nhất ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,76%), thấp nhất ở nhóm hàng may mặc mũ nón giày dép (0,02%); 2 nhóm hàng không có biến động giá là bưu chính viễn thông và giáo dục; 2 nhóm hàng giảm giá là nhà ở điện nước (-1,49%) và thuốc dịch vụ y tế (-0,01%).

Cơ quan Thống kê của Thành phố đánh giá, dù trong thời điểm mua sắm Tết nguyên đán và sau nghỉ Tết, nhưng do tác động của chương trình bình ổn giá của thành phố trong suốt năm và việc hệ thống các siêu thị mở cửa sớm (một số siêu thị đã mở cửa từ mồng 2 Tết) cộng thêm hàng hóa dồi dào trong xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của người dân, nên giá cả các mặt hàng không có sự biến động, kể cả các mặt hàng thiết yếu thường có nhu cầu tăng cao trong dịp tết như thịt các loại, trứng, thực phẩm tươi sống, rượu bia…

Cụ thể, biến động giá của một số mặt hàng so tháng 1/2014 như sau: thịt heo (+1,23%); thịt bò (+3,48%); thịt chế biến (+1,56%); trứng (+0,35%); dầu mỡ (+1,26%); thủy sản tươi sống (+2,56%); thủy sản chế biến (+2,29%); trái cây các loại (+4,03%); bánh mứt kẹo (+0,05%); bia rượu (+0,09%); đồ uống không cồn (+0,64%); vé tàu hỏa (+6,07%); vé xe khách (+8,81%); giá dầu diezen (-0,58%).

Nhóm nhà ở điện nước giảm 1,49% do giá gas giảm (từ đầu năm 2014 giá gas giảm 2 đợt: đợt 1 vào 1/1/2014 giảm 43.000 đồng/bình và đợt 2 vào 1/2/2014 giảm 13.000 đồng/bình); vật liệu xây dựng và điện nước cũng giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng ít.

So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 chỉ tăng 0,64% (mức tăng của cùng kỳ năm 2013 là 1,44%).

Nằm ngoài rổ tính giá, giá vàng tại TPHCM tăng 0,31% so với tháng trước và giảm 1,06% so với tháng 12/2013. Tỷ giá USD giảm 0,07% so với tháng trước và giảm 0,11% so với tháng 12/2013.

Như vậy, mức độ tăng giá bình quân một tháng trong 2 tháng đầu năm 2014 là 0,31%, chỉ số này của cùng kỳ 2013 là 0,71%.

Trước đó, Cục Thống kê TP. Hà Nội cũng cho biết, tình hình giá cả thị trường theo qui luật vào những tháng trước và sau Tết sẽ tăng tuy nhiên năm nay, mức tăng không cao như một số năm trước và có xu hướng giảm dần. Nhìn chung giá cả thị trường Tết ổn định, những ngày đầu năm không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá.

CPI tháng 2 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,49% so tháng trước và tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Tháng này có 10 nhóm hàng tăng, chỉ có nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm (giảm 0,5%).


Trong 10 nhóm hàng tăng, thì tăng cao nhất và cũng là nhóm hàng duy nhất tăng trên 1% là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,06%) do thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng (Thực phẩm tăng 1,03%, Ăn uống ngoài gia đình vẫn theo quy luật vào dịp sau Tết có mức tăng trên mức bình quân chung, tăng 1,23%).

Chỉ số giá vàng tăng 2,64% so tháng trước và bằng 77,05% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD giảm nhẹ, bằng 99,99% so tháng trước và tăng 1,19% so cùng kỳ.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *