Cuba cải cách, doanh nghiệp Việt có hưởng lợi?

FICA - Về lâu dài Cuba sẽ không nhập khẩu những mặt hàng tự sản xuất được trong nước, nhất là các mặt hàng tiêu dùng và điều này sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba.

Theo cập nhật từ Thương vụ Việt Nam tại Cuba, trong năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Cuba đạt xấp xỉ 205,4 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba 199,5 triệu USD và nhập khẩu từ Cuba 5,9 triệu USD.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn duy trì ổn định. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Cuba các mặt hàng lương thực, ngũ cốc, bánh kẹo, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm vệ sinh, vật liệu xây dựng, than, dệt may, hóa chất... và nhập khẩu từ Cuba một số loại thuốc tân dược và thực phẩm chức năng...

Mặt hàng gạo tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch cao nhất, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Với tình hình hiện nay, Cuba dự kiến vẫn cần nhập khẩu khoảng 350.000 tấn gạo mỗi năm. Thực tế cho thấy, việc giao gạo theo hợp đồng chính phủ luôn được thực hiện đầy đủ. Đối với 100.000 tấn diện thương mại, lượng gạo Cuba mua thực tế phụ thuộc vào sản lượng lúa gạo sản xuất tại Cuba, cũng như cân đối giá gạo và chi phí vận tải từ một số nước khác, nhất là những nước cung cấp tín dụng chính phủ cho Cuba.

Thực tế cho thấy, việc tăng giảm trao đổi thương mại giữa hai nước không ổn định mà chỉ mang tính tương đối, tùy thuộc vào nhu cầu ở từng thời điểm, bởi vậy rất khó để đạt tăng trưởng kim ngạch bền vững. Kể từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản, Cuba chủ chương thúc đẩy sản xuất trong nước để dần thay thế nhập khẩu hướng tới mục tiêu tiết kiệm ngân sách, nên về lâu dài Cuba sẽ không nhập khẩu những mặt hàng tự sản xuất được trong nước, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba do Việt Nam xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Cuba là chủ yếu.

Trong thời gian gần đây, vấn đề thanh toán của Cuba có dấu hiệu khả quan hơn nên đã thu hút sự quan tâm trở lại của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đối với thị trường này.

Nhìn chung, với các chính sách điều tiết vĩ mô, chính sách kinh tế thương mại của Cuba hiện nay, cùng với những diễn biến thực tế tại địa bàn, hợp tác kinh tế -thương mại và đầu tư giữa hai nước có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, trong thương mại Cuba giữ tập quán ký hợp đồng trả chậm dẫn đến doanh nghiệp của Việt Nam gặp khó khăn tài chính để thực hiện hợp đồng. Để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước có hiệu quả đòi hỏi một cơ chế hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ổn định với lãi suất thấp, giúp cho doanh nghiệp có thể cân đối được khả năng cạnh tranh và mức độ rủi ro.

Những dự án đầu tư và công nghiệp đáng chú ý giữa hai nước

Dự án hỗ trợ Cuba phát triển lúa gạo: Dự án này đang trong giai đoạn IV và theo đúng lịch thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2015. Gần 65% tống giá trị tương đương 40 triệu USD vốn của dự án được sử dụng để hỗ trợ phía Cuba về máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ canh tác lúa. Mỗi năm có khoảng 20 chuyên gia nông nghiệp và phiên dịch sang Cuba, xuống trực tiếp các tỉnh trồng lúa trọng điểm của Cuba để hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác cho người nông dân.

Dự án hỗ trợ canh tác ngô, đậu các loại: Dự án hỗ trợ Cuba canh tác ngô và đậu hiện đang ở giai đoạn II, không giới hạn trong phạm vi hỗ trợ Cuba đối với ngô và đậu tương mà còn mở rộng hỗ trợ vật tư và tập huấn kỹ thuật sang một số loại cây có hạt khác như đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, lạc... Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ phía Cuba trong khâu chọn tạo các loại giống có đặc tính di truyền tốt, chống chịu sâu bệnh, ngắn ngày, chín sớm và phù hợp với các điều kiện tự nhiên của Cuba.

Hợp tác dầu khí: Sau một thời gian nghiên cứu các lô dầu khí tại Miền Trung Cuba, Petrovietnam đã cử đoàn công tác sang Cuba vào tháng 10 vừa qua để đàm phán hợp đồng thăm dò đối với 02 lô 13 và 21 A. Do có sự chuẩn bị tốt nên việc đàm phán diễn ra thuận lợi. Hai Bên đang tiếp tục đàm phán và mong muốn ký kết hợp đồng thăm dò trong thời gian sớm nhất.

Một số dự án công nghiệp nhẹ: Một số dự án sản xuất công nghiệp nhẹ mà phía Cuba gửi như dự án sản xuất bột giặt, giấy…có tính khả thi không cao do cách tính toán của Cuba có sự khác biệt dẫn đến để đầu tư cùng một dây chuyền sản xuất nhưng có giá cao hơn rất nhiều tại Cuba so với ở Việt Nam.

Các dự án ký kết giữa Công ty Thiết bị thể thao Động Lực và phía Cuba có giá trị 1 triệu USD; dự án lắp đặt điều hòa, tủ lạnh giữa Công ty Viettronic Tân Bình… tiến triển chậm trong bối cảnh chung phía Cuba đã và đang tiếp tục rà soát, thẩm định lại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Công ty Thương mại và Đầu tư Thái Bình đang nghiên cứu khả năng đầu tư dự án sản xuất vào Đặc khu Phát triển Mariel và hiện đang trong giai đoạn thực hiện nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án xây khách sạn 5 sao tại Thủ đô La Havana: Sau khi Công ty HUDSE xác nhận không tiếp tục dự án xây sân Golf và khách sạn cùng với Tập đoàn Cubanacan và Palmares Cuba, Tổng Công ty HANEL đã đề nghị tham gia vào dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại Thủ đô La Havana.

Hỗ trợ phát triển thủy sản: Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã hoàn tất và gửi Bản Quy hoạch Tổng thể về Phát triển Thủy sản tại Cuba đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cho Bộ Công nghiệp Thực phẩm Cuba. Phía Cuba đã gửi cho phía Việt Nam văn bản phê duyệt Bản Qui hoạch vào tháng 10 vừa qua.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Cuba giai đoạn 2013-2016. Dự án được triển khai từ tháng 3 năm 2014 và phía Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện các nội dung của dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.

Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Cuba, với những điều kiện hiện nay tại nước này, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước có nhiều tiềm năng để phát triển trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *