CPI tại TPHCM tăng 0,36% trong tháng Năm

FICA - Trong số 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính giá thì có tới 7 nhóm hàng tăng giá so tháng trước. Chỉ số giá CPI chủ yếu bị tác động bởi bởi sự tăng giá hàng thực phẩm (+1,41%) và sự tăng trở lại của giá lương thực (+0,03%).

Theo dữ liệu được Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) công bố ngày 21/5, sau 2 tháng liên tiếp giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 trên địa bàn đã tăng trở lại với mức 0,36% so với tháng trước.

Cơ quan thống kê cho biết, CPI tháng này tại TPHCM tăng chủ yếu do tác động bởi sự tăng giá hàng thực phẩm (+1,41%) và sự tăng trở lại của giá lương thực (+0,03%). 

Trong số 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính giá thì có tới 7 nhóm hàng tăng giá so tháng trước là hàng ăn và dịch vụ ăn (+0,71%); đồ uống và thuốc lá (+0,02%); thiết bị đồ dùng gia đình (+0,14%); nhà ở điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,38%); giao thông (+0,19%); văn hóa giải trí du lịch (+0,15%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,03%).

Hai nhóm hiếm hoi có chỉ số giá giảm là thuốc và dịch vụ y tế (-0,01%) và bưu chính viễn thông (-0,06%); còn lại nhóm may mặc và giáo dục không có biến động.

Cụ thể, trong tháng này, giá lương thực tại TPHCM đã đổi xu hướng quay đầu tăng với mức tăng nhẹ 0,03%, trong khi tháng 4 giảm 0,52% so tháng 3, do cầu xuất khẩu gạo đã bắt đầu tăng (số liệu ước tính xuất khẩu gạo 5 tháng tăng 74%).

Giá thực phẩm tăng 1,41% so tháng trước với một số mặt hàng chính như thịt heo tăng 2,54%; gia cầm tăng 0,5%; thịt chế biến tăng 0,82%; thủy sản chế biến tăng 1,05%; rau cải các loại tăng 6,71%; trái cây tăng 2,56%; sữa bơ phomát tăng 1,28%; bánh mứt kẹo tăng 0,29%. Các mặt hàng giảm giá có: thịt bò (-1,31%); trứng các loại (-1,09%); thủy sản tươi sống (-0,42%).

Chỉ số nhóm nhà ở điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,38% chủ yếu do một số mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, đá, gạch lát nền tăng nhẹ từ 0,5-3% tùy loại.

Với việc giá nhiên liệu tăng 0,33% so tháng trước, giá cước tàu hỏa tăng 0,13% do ảnh hưởng đi lại dịp lễ, trong tháng này, chỉ số giá tại nhóm giao thông cũng đã tăng 0,19% so tháng trước. Văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,15% (tháng trước giảm 0,2%), trong đó tour du lịch trọn gói tăng 0,32% (tháng trước giảm 0,29%), hoa cây cảnh tăng 0,4%. 

So với tháng 5/2013, chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng tại TPHCM tăng 5,04%; trong đó giáo dục là nhóm hàng tăng cao nhất do ảnh huởng điều chỉnh mức tăng học phí vào tháng 9/2013. Còn nếu so với tháng 12/2013, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 0,51%. Trong đó 2 nhóm tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn tăng 1,01%; nhóm giao thông tăng 2,19%.

Chỉ số giá bình quân 5 tháng đầu năm 2014 tăng 4,65% so với bình quân cùng kỳ năm 2013.

Nằm ngoài rổ tính CPI, chỉ số giá vàng tháng 5 tại TPHCM giảm 0,61% so tháng 4; giảm 14,78% so tháng 5/2013; giảm 0,24% so tháng 12/2013. Chỉ số giá USD tăng 0,03% so tháng 4/2013; giảm 0,84% so tháng 4/2013 và giảm 0,35% so tháng 12/2013.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *