Chuyên gia dự báo lạm phát dưới 5%

FICA - Mặc dù cho rằng nền kinh tế đã thoát đáy trong năm 2013 song các chuyên gia lo ngại khó đạt tăng trưởng 5,8% như mục tiêu, trong khi lạm phát sẽ rất thấp.

Theo kế hoạch, ngày mai (27/9) sẽ khai mạc Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”. Diễn đàn dự kiến diễn trong hai ngày 27-28/9/2014.

Theo tài liệu hội thảo, ông Trương Đình Tuyển - cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại sẽ góp tham luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và khuyến nghị chính sách kinh tế Việt Nam 2014 – triển vọng 2015.

Chuyên gia Trương Đình Tuyển

Tại bản tham luận này, ông Tuyển cho rằng, kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn 2008-2013 với bất ổn vĩ mô kéo dài, lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; nợ công tăng nhanh, từ mức 36,2% GDP năm 2008 đã lên đến 56% GDP năm 2013. Theo đồng hồ nợ công toàn cầu của Tạp chí The Economic công bố ngày 20/8/2014 thì hiện nay bình quân mỗi người dân Việt Nam phải gánh 99 USD nợ công. Tuy nhiên, có thể nói kinh tế Việt Nam năm 2013 đã chạm đáy.

Bước sang 2014, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, lạm phát giảm, đến tháng 8 CPI mới ở mức 1,84% so với tháng 12/2014. Dự báo cả năm 2014, CPI khó vượt quá 4,5% so với tháng 12/2013.

Mặc dù vậy, theo ông Tuyển, tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng không đến được với nền kinh tế; tốc độ phục hồi chậm.

Khu vực doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, chỉ số quản trị mua hàng theo HSBC, tuy vẫn ở mức trên 50 điểm % nhưng đã sụt giảm 4 tháng liên tục.

Điều đáng lưu ý là khu vực tư nhân Việt Nam ngày càng yếu đi, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này 8 tháng năm 2014 chỉ còn chiếm 32,7% trong tổng kim ngạch của cả nước, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đã lên tới 67,3%. Hệ thống phân phối cũng đang bị các nhà đầu tư nước ngoài xâm lấn, FDI cũng đã chiếm tỷ trọng gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

“Tình hình này là tốt hay xấu và liệu tăng trưởng kinh tế có đi liền với tích lũy và tăng cường nội lực, gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp trong nước? Đây là một câu hỏi cần được đặt ra một cách nghiêm túc” – ông Tuyển băn khoăn.

Về tốc độ tăng trưởng, ông Tuyển cho rằng, mục tiêu 5,8% đặt ra cho năm na là khó đạt được. Nếu muốn đạt, phải tăng thêm khai thác dầu thô, khai thác than…(như đã từng làm) nhưng đây là cách tăng trưởng không hiệu quả.

Theo ông, vấn đề không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn là cách thức tạo ra tăng trưởng. Nếu giải quyết được nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân, thì có thể tiếp cận đến chỉ tiêu này và tạo đà cho năm 2014 và tạo đà cho năm 2015. (Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu cải cách thủ tục hải quan, mỗi năm có thể tiết kiệm cho nền kinh tế đến 20 tỷ USD).

Tại chỉ tiêu lạm phát, theo nhận định của vị chuyên gia này, sẽ không vượt quá 4,5% do tổng cầu thấp và giá thị trường thế giới theo dự báo không có biến động lớn. Trong khi đó, xuất khẩu, các chỉ khác như thu chi ngân sách, mức bội dự báo đạt kế hoạch.

Trong khi đó, Nhóm tác giả từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân (GS.TS Trần Thọ Đạt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng và TS. Hà Quỳnh Hoa) lại dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam ước đạt khoảng 5,69% và tỷ lệ lạm phát ước đạt 4,5%.

Như vậy, riêng ở con số dự báo lạm phát, các chuyên gia này đều hạ dưới mức dự báo của các tổ chức như ADB, WB, IMF, EY cũng như Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ.

Năm 2015, nhóm tác giả cho rằng, nền kinh tế được sẽ khả quan hơn với tỷ lệ tăng trưởng cao hơn năm 2014 (khoảng 6,04%) song tỷ lệ lạm phát năm 2015 sẽ cao hơn với tỷ lệ là khoảng 5,6- 6%.

Điều này hàm ý lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại trong ngắn hạn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch thì hiện rất cần sự nỗ lực và phối hợp hiệu quả giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa.

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,2%. Lý giải cho dự báo này, ông Tuyển cho biết, do yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015. Nhiều khả năng hầu hết các Hiệp định mậu dịch tư do Việt Nam đang đàm phán sẽ được hoàn thành không muộn hơn 6 tháng đầu năm 2015. Điều này tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, dự báo lạm phát năm tới sẽ không quá 6,5% nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chính sách trung hòa tiền tệ (ngoại tệ vào Việt Nam sẽ tăng, lượng tiền VND để mua ngoại tệ sẽ  lớn (gần giống như năm 2007) cần phải có giải pháp rút tiền VND về...).

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *