Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra, giám sát nợ xấu

FICA - Chính phủ cũng yêu cầu cần khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu; công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10/2014, trong đó đánh giá, tình hình sản xuất, kinh doanh hiện vẫn còn khó khăn, sức mua tăng thấp, thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm.

Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành có tiến triển nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Việt làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tốc thiểu số vẫn còn khó khăn.

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm chất lượng tín dụng theo mục tiêu đề ra; tăng cường kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng, kiên quyết thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bộ Công Thương đôn đốc thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; nâng cao năng lực sản xuất, phấn đấu sản xuất vượt kế hoạch đối với các ngành lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác, thúc đẩy xuất khẩu; tích cực đàm phán các Hiệp định thương mại tự do...

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất đánh giá, thời gian qua, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi nhu cầu chi tăng mạnh để thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời phải tăng cường huy động nguồn lực thực hiện đột phá chiến lược phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014. Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần nên chúng ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), bảo đảm trong giới hạn cho phép; sử dụng để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu theo quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định.

Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp. Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ đúng hạn. Rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn. Kiểm soát giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý

Về xử lý nợ xấu, đến tháng 10 năm 2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu đã xác định trước đây. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm và quyền hạn của chủ nợ.

Chính phủ cũng yêu cầu cần hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu; công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu.

Đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, phát triển lành mạnh các thị trường chứng khoán, bất động sản, đẩy mạnh thực hiện các trọng tâm tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *