Cao tốc Bắc - Nam: Con đường duy nhất kết nối với toàn khu vực?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tác động tới phát triển nền kinh tế, đáng ra phải làm từ lâu. Tuyến cao tốc Bắc - Nam là con đường duy nhất kết nối với toàn khu vực. Tuy nhiên, trên phương diện tổng thể, cần phải tính tới bài toán tương quan lợi ích giữa các loại hình vận tải.

Nghiên cứu cao tốc từ 20 năm trước

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do báo Giao thông tổ chức sáng nay (1/11), ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc này từ năm 1997 - 1998 chứ không phải 1, 2 năm nay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, năm 2016, Bộ GTVT đã rà soát lại tổng thể và phân kỳ theo Nghị quyết 13, làm những đoạn cấp bách trước, bởi một số đoạn nếu không đầu tư, đến năm 2020 sẽ tắc nghẽn.

Tọa đàm Xây dựng cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” sáng 1/11 tại báo Giao thông
Tọa đàm "Xây dựng cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” sáng 1/11 tại báo Giao thông

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, Quốc lộ 1 (QL1) dù mới được nâng cấp, mở rộng nhưng xe đi qua các đô thị chỉ chạy được 40 - 50km.

“Gần một nửa đường QL xuyên bắc nam hiện nay chỉ chạy được tốc độ này. Giao thông trên QL1 hiện là giao thông hỗn hợp. Tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay vẫn đang ở mức rất cao, dù đã giảm được 5 - 10% theo Nghị quyết Quốc hội nhưng mỗi năm vẫn có gần 9.000 người chết, trong đó TNGT trên QL1 chiếm khoảng 30 - 40%” - Thứ trưởng Nhật nói.

Với Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ phân cho Bộ GTVT 75.000 tỷ đồng, trong đó 5.000 tỷ đồng dành cho sân bay Long Thành. 70.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng 55.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc - Nam. 15.000 tỷ đồng còn lại sử dụng cho các dự án bị đình, giãn, hoãn theo Nghị quyết của Quốc hội.

Với 55.000 tỷ đồng sẽ làm đoạn cấp bách trước, cụ thể là 654 km, sẽ đầu tư các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật

Giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.

Con đường kết nối duy nhất với toàn khu vực

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho hay: “Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn tác động tới phát triển nền kinh tế, không ai phủ nhận tính cấp thiết của nó, đáng ra chúng ta phải làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, chúng ta phải chia sẻ nguồn lực cho các dự án khác, ngành giao thông còn nhiều dự án cần ưu tiên mà thực tế hiện nay chưa tận dụng được như đường sắt, hàng không, đường thủy”.

Với Dự án cao tốc Bắc - Nam, dù là cấp thiết nhưng Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng có nhiều vấn đề cần làm rõ trước khi triển khai, làm rõ từ quy hoạch, vốn, giảm phí cho doanh nghiệp... trước khi triển khai dự án.

Ông Trần Đình Thiên: Cần làm rõ trước khi triển khai, làm rõ từ quy hoạch, vốn, giảm phí cho doanh nghiệp... trước khi triển khai dự án.
Ông Trần Đình Thiên: Cần làm rõ trước khi triển khai, làm rõ từ quy hoạch, vốn, giảm phí cho doanh nghiệp... trước khi triển khai dự án.

“Nếu tiếp cận trên từng đoạn tuyến, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường 5 chính là bài học thực tiễn cần tổng kết lại. Vì sao đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội chưa đông xe, không phát huy được hiệu quả cho nhà đầu tư.

Soi chiếu vào phương án xử lý đường cao tốc Bắc - Nam, phải chăng chúng ta không thể làm tất cả 1 lần được, nên làm từng đoạn. Trên phương diện tổng thể, cần phải tính tới bài toán tương quan lợi ích như thế nào giữa các loại hình vận tải như đường không, đường bộ, đường sắt…” - ông Thiên cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia - đưa ra ý kiến: Dự án cao tốc Bắc - Nam rất cần thiết vì tuyến QL1 vừa là đường dân sinh vừa là quốc lộ, khiến bất kỳ ai đi qua đều ngán ngẩm. Không những vậy, nhu cầu liên kết với ASEAN, Trung Quốc, nhất đới, nhất lộ toàn châu Á khiến việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là con đường duy nhất kết nối với toàn khu vực.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

“Tôi chỉ phân vân tuyến cao tốc Bắc - Nam chạy dọc trong khi các tuyến đường của Trung Quốc cũng chạy dọc. Vậy cần kết nối ngang với các tuyến đường của các nước trong khu vực thế nào. Các nhà thiết kế cần cái nhìn tổng quát về đường sá khu vực trong 10 năm tới ảnh hưởng thế nào đến dự án cao tốc Bắc - Nam” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Cách nào huy động vốn?

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa cũng bày tỏ sự tán thành với phương án tài chính của Dự án cao tốc Bắc - Nam. Với tỷ lệ vốn góp của Chính phủ cao nhất tương đương 40%, nhà đầu tư “nhàn hạ” hơn nhiều khi không gặp phải các vấn đề như vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định làm cao tốc là cần thiết, tuy nhiên cũng băn khoăn về việc Bộ GTVT sẽ huy động vốn như thế nào để tránh tình trạng khi khởi động dự án rồi lại thiếu vốn, kéo dài, đội vốn gây lãng phí.

Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) - cho hay, Dự án hiện đã có 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu. Do đó, trong năm đầu hoàn toàn không phải lo đến tiền.

Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng PPP, Bộ GTVT
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng PPP, Bộ GTVT

“Thực tế, phần việc này làm bằng ngân sách mục đích là để chúng ta kiểm soát chi phí và giá thành. 63.000 tỷ đồng còn lại huy động nguồn lực của tư nhân. Chúng tôi đã nâng mức vốn chủ sở hữu theo quy định từ 10 lên 15%. Do vậy, sẽ có khoảng 13.000/63.000 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư, còn lại 50.000 tỷ đồng cần huy động từ các tổ chức tín dụng” - ông Huy khẳng định.

Vụ trưởng PPP Nguyễn Danh Huy cũng đưa ra dự kiến việc huy động vốn chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn cho dự án.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *