Cải cách chính sách: Doanh nghiệp e dè công chức...nhỏ!

FICA - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thẳng thắn, vấn đề của những bất cập nằm ở cấp cán bộ chuyên viên, bộ phận thực hiện. Doanh nghiệp mong muốn thấy được những sự chuyển biến chính sách trong thực tế chứ không chỉ ở trên giấy tờ, làm sao để những cải cách về chính sách mà Thủ tướng đã phê duyệt trở thành hành động hàng ngày của công chức cấp cơ sở.

Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014 (VBF 2014), ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bà Virginia Foote, Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, Chủ tịch và CEO Bay Global Strategy đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với báo giới về một số vấn đề “trăn trở” trong cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc

Trả lời cho câu hỏi của phóng viên về việc “mặc dù Quốc hội thời gian vừa qua đã thông qua một loạt chính sách có tính chất cởi mở cho môi trường kinh doanh, thế nhưng vì sao nhiều kiến nghị vẫn được VBF đặt ra rất nhiều lần”, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn, vấn đề không nằm ở những cải cách tầm vĩ mô mà ở cấp cán bộ chuyên viên, bộ phận thực hiện.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn cảm nhận được những sự chuyển biến chính sách trong thực tế chứ không chỉ ở trên giấy tờ. Làm sao để những cải cách về chính sách mà Thủ tướng đã phê duyệt trở thành hành động hàng ngày của công chức cấp cơ sở. Và thực tế đặt ra yêu cầu phải chuyển biến cả bộ máy phía dưới, vấn đề này theo ông Lộc đánh giá là “gian nan”.

Chủ tịch VCCI cho rằng, cần có những cuộc bỏ phiếu đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp cho bên cung cấp dịch vụ công, phản ánh cho những người quản lý nhà nước về thái độ làm việc, mức độ tận tụy của những cán bộ trong bộ máy công quyền khi cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Và điều quan trọng là phải khích lệ doanh nghiệp nói ra được tiếng nói của mình để các bên cùng nhau cải thiện.

Về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, dẫn kết quả khảo sát đánh giá hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Virginia Foote cho rằng, nhiều chỉ tiêu như thời gian cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, hỗ trợ tín dụng ngân hàng... Việt Nam vẫn ghi điểm rất thấp. Thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra cho thủ thục hành chính tại Việt Nam “tốn kém” rất nhiều lần so với các nước khác. Do đó, bắt buộc Việt Nam phải nỗ lực để cải thiện và thu hẹp khoảng cách.

Tuy nhiên theo ông Lộc, có một lập luận từ phía Chính phủ, sự chậm trễ này một phần lớn là do trình độ của đội ngũ cán bộ và trang thiết bị ở Việt Nam còn thấp, đặt trong bối cảnh trình độ quản trị của doanh nghiệp không minh bạch, kim hãm những tiêu chí này chưa thể vươn lên tầm thế giới.

Đáp lại, bà Foote nói, thực tế đó có thể là đúng nhưng cũng có thể chỉ là một hình thức đổ lỗi. Trên thực tế, ngay cả ở Mỹ cũng đã diễn ra những tranh cãi để thông qua việc áp dụng Chính phủ điện tử, hải quan điện tử…, nhưng khi đã thuyết phục được thì các phương pháp này lại mang lại hiệu quả lớn, cắt giảm được chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, cũng như cho chính quyền.

Theo bà Foote, Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn là tham nhũng và bất cập thủ tục hành chính và có một giải pháp để giải quyết được cả hai vấn đề: cắt giảm thủ tục hành chính và qua đó chống được tham nhũng.

Bà Virginia Foote

“Cần cạnh tranh bằng năng lực quản trị, chứ không bằng quan hệ”

Bà Foote cũng đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt rất thấp. Người dân vẫn còn phải đứng xếp hàng thanh toán và tiền mặt, trong khi điều này lại đại diện cho một nền kinh tế lạc hậu và kém hiệu quả.

Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ kết nối internet và sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) cao nhưng trên thực tế lại chưa ứng dụng được để thúc đẩy giao dịch kinh doanh, giúp vận hành kinh tế diễn ra thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn.

Thêm vào những đánh giá này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong khi niềm tin kinh doanh le lói trở lại thì môi trường cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với khu vực vẫn thấp, đặc biệt là về quản trị, sáng tạo, nguồn nhân lực…

Theo nhận định của ông Lộc, thu thút FDI của Việt Nam thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế thị trường, lao động giá rẻ chứ không phải dựa vào chất lượng lao động, sáng tạo và công nghệ.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dù đã nói rất nhiều nhưng cải thiện chưa được bao nhiêu. Doanh nghiệp vừa thì lại có quản trị tương tối tốt còn doanh nghiệp (kể cả các “đại gia”) vẫn còn lúng túng với quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thì quản trị yếu.

VCCI cho rằng, việc nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Khi môi trường kinh doanh trở nên minh bạch và công bằng hơn thì sẽ tạo điều kiện cải thiện trình độ quản trị, góp phần tạo nên cạnh tranh, chứ không phải là “cạnh tranh bằng quan hệ” như những thời kỳ trước.

“Tôi nghĩ phải có một chương trình vực dậy, tái khởi động khu vực doanh nghiệp trong nước. Bây giờ khác trước, giai đoạn mới quan trọng ở chỗ là phải có những động lực phát triển, tái khởi động khu vực doanh nghiệp tư nhân theo phương thức dựa trên những nền tảng về quản trị, năng lực cạnh tranh và phải xốc lại tinh thần kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp” – ông Lộc cho hay.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *