Bộ trưởng Thăng chê trách các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc

FIC -Trước tình trạng các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc thi công chậm chạp tại nhiều dự án giao thông, Bộ trưởng Thăng đã thẳn thắn chê trách và chỉ đạo phải giám sát đặc biệt.

Bộ trưởng đặt ra yêu cầu hàng đầu là năng lực và hiệu quả công việc.

Mặc dù đã phân công chuyên trách các dự án khu vực phía Nam, nhưng trong bối cảnh chất lượng công trình luôn “nóng” nên người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT) đã đặt ra một lịch công tác dài ngày và đích thân thị sát, kiểm tra các dự án giao thông vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Tại Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), vừa đặt chân đến công trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng liền nhắc nhở: “Công trường kiểu gì thế này? Đây là dự án sử dụng vốn ODA mà cứ như là công trình đang giãn tiến độ thi công theo Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công. Không thấy khí thế làm việc đâu cả, chủ đầu tư phải tổ chức lại công trường ngay!”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trên công trường cầu Vàm Cống 
Bộ trưởng Đinh La Thăng trên công trường cầu Vàm Cống.

Sau khi nghe chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) và nhà thầu báo cáo tình hình thi công dự án, cũng như khả năng hoàn thành sớm hơn theo kế hoạch đề ra là tháng 10/2017, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu không được chủ quan về tiến độ khi nhà thầu Trung Quốc thi công.

“Tất cả các dự án giao thông tại Việt Nam mà Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc đã và đang thi công đều bị chậm tiến độ, vì vậy không thể chủ quan được. Lúc đầu họ làm rất nhanh, nhưng sau đó họ đưa ra nhiều lí do gây chậm tiến độ, ở dự án này có thể sẽ vì nước lớn hay do mưa nhiều nên không thi công được… Chúng ta không nói xấu nhà thầu nước bạn, nhưng thực tế thi công là vậy nên chủ đầu tư phải có giải pháp giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án” - Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý.

Dẫn chứng thêm về việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc đến Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tại dự án này nhà thầu Trung Quốc thi công gói thầu A7: “Lúc mới triển khai dự án thì gói thầu A7 làm nhanh nhất nhưng sau đó thì họ ì ra không làm, thậm chí chủ đầu tư phải sang Trung Quốc để thúc thầu nhưng chậm vẫn hoàn chậm”.

Trong khi đó, ở Dự án xây dựng cầu Vòm Cống bắc qua sông Hậu (dự án khi hoàn thành sẽ nối liên 2 tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ - PV) được thực hiện bởi nhà thầu thi công và Tư vấn giám sát (TVGS) của Hàn Quốc. Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị thực hiện dự án khi thi công vượt tiến độ so với hợp đồng, nhưng vị Bộ trưởng này tỏ ra khó chịu trước việc TVGS “lụy” nhà thầu và chủ đầu tư.

Trên công trường, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đánh giá tổng thể về tiến độ và chất lượng dự án thì đại diện TVGS không chủ động đưa ra ý kiến mà lại quay sang trao đổi với nhà thầu rồi mới trả lời Bộ trưởng. Cho rằng TVGS có “vấn đề” nên Bộ trưởng Đinh La Thăng chê trách: “Ông phải đưa ra những ý kiến đánh giá độc lập của mình chứ sao lại quay sang hỏi nhà thầu? Tôi trả lương cho ông chứ đâu phải nhà thầu trả lương cho ông”. Lúc này, TVGS tỏ ra lúng túng!

Bộ trưởng Đinh La Thăng trên công trường cầu Vàm Cống 
Việc thi công vẫn bị nhắc nhở không được chủ quan dù tiến độ cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đang khả thi.

Cũng bàn về tiến độ, dù các đơn vị thi công đã lập kế hoạch chi tiết nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư phải giám sát chặt chẽ cả về con người, thiết bị và đồng tiền đối với nhà thầu, vì đơn vị thi công cầu Vàm Cống tuy có tiếng tăm nhưng đã từng có “tiền lệ” chậm tiến độ tại Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

“Giám đốc dự án phải là người có năng lực thực sự, là người có thể điều hành dự án tốt nhất chứ không phải là người mà khi hỏi đến cứ lớ ngớ nhìn nhà thầu và chủ đầu tư để “xin” ý kiến. Dù là nhà thầu và tư vấn nước ngoài nhưng không đáp ứng được công việc thì phải thay” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ, các nhà thầu Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia nhiều dự án giao thông đều làm rất chậm, thậm chí không đủ khả năng thi công nên phải bỏ dở công việc. Ngay như Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đấu thầu quốc tế, nhà thầu tham gia đều là nhà thầu mạnh của nước ngoài như Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng quá trình thi công các nhà thầu này đã bộc lộ nhiều yếu kém. Bởi thế, trong giai đoạn nước rút của Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ GTVT đã phải tăng cường thêm 2 Tổng Công ty nội là Cienco 1 và Cienco 4 vào thi công để kịp hoàn thành dự án vào tháng 8 tới đây.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *