Bao giờ lương tối thiểu mới đủ cho mức sống tối thiểu?

Tổng Liên đoàn Lao động khẳng định, phải tăng lương tối thiểu trên mức 12% mới không thiệt thòi cho người lao động.

Liệu người lao động còn thiệt thòi cho đến bao giờ?

Liệu người lao động còn thiệt thòi cho đến bao giờ?

 

Trước kỳ họp Quốc hội thứ 7, các vấn đề về lương tối thiểu, quyền lợi của người lao động lại “nóng” hơn bao giờ hết. Trả lời cử tri về việc này, UB Các vấn đề xã hội đã gửi công văn nêu rõ: “Ghi nhận ý kiến của cử tri với trách nhiệm của mình, UB Các vấn đề xã hội sẽ đề nghị với Quốc hội điều chính thời gian ban hành Luật tiền lương tối thiểu sớm hơn trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII”.
 
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) khẳng định, để người lao động khỏi phải thiệt thòi thì mức lương tối thiểu phải tăng 12%.
 
Ngay lập tức, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cơ quan đại diện cho giới chủ sử dụng lao động liền công bố thông tin, hầu hết các doanh nghiệp đều phản đối tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2015. VCCI cũng kiến nghị, nếu buộc phải tăng lương thì chỉ nên tăng dưới mức 12% so với mức lương tối thiểu vùng hiện tại.
 
Trả lời về kiến nghị này, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cho biết: “Với mức lương tối thiểu hiện nay, ngay cả vùng I ở mức cao nhất là 2,7 triệu đồng/ tháng thì người độc thân còn chưa đủ sống, huống hồ gì phải nuôi con hay gánh thêm người phụ thuộc”.
 

Ông Mai Đức Chính phân tích thêm, tại điều 91, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rõ lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Nhưng sau nhiều lần tăng, lương vẫn chỉ đáp ứng được 72% mức sống tối thiểu. Sự chênh lệch này đã kéo dài suốt 20 năm vẫn chưa thể cân bằng.

Mới đây, tại hội thảo “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Đặng Quang Điều - đại diện Viện Công nhân – Công đoàn thuộc TLĐLĐ cho biết đã thực hiện khảo sát tại các doanh nghiệp trên 10 tỉnh, thành phố trên cả nước về tiền lương.

Kết quả khảo sát cho thấy, với nhu cầu tối thiểu về ăn uống và chi phí nuôi con, mức sống tối thiểu của người lao động vào khoảng 2,4 - 3,7 triệu đồng/tháng. Từ đó, Viện Công nhân – Công đoàn đã khẳng định, tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 65 - 70% mức sống tối thiểu.

Ghi nhận các ý kiến, nhưng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) lại cho rằng, buộc phải giãn lộ trình tăng lương tối thiểu. Vì nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 (theo quy định của Bộ luật lao động sửa đổi) thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Còn nếu theo đúng lộ trình, thì mức tăng vào năm 2014 và 2015 vô cùng lớn, doanh nghiệp khó lòng gánh nổi.
Từ thực tế trên, VCCI đã đề xuất dự kiến mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 là dưới 12%. Nhận xét về đề xuất này, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cho rằng, nếu tăng tối đa 12% thì mức lương tối thiểu ở vùng I là 3,024 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Viện Công nhân – Công đoàn cho biết, mức sống tối thiểu của người lao động (có nuôi con) đã lên đến 4,133 triệu đồng/tháng.
 

Vậy theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động và Viện Công nhân – Công đoàn, nếu tiếp tục giãn lộ trình thì chẳng biết đến bao giờ lương tối thiểu mới vừa đủ cho mức sống tối thiểu?

Hồ Ngọc Giàu

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *